Trọn bộ: Nam Du Huê Quang

http://www.mediafire.com/view/?ur5p5uumrzocxfe


Trọn bộ: Nam Du Huê Quang – dịch giả Tô Châu
Tập thứ 1
Hồi thứ nhất

Thượng- Đế hội thi bửu-bối,
Phật-Tiên Tam-giới đồng chầu,


Bởi Ngọc Hoàng Thượng Đế muốn thử các vì Tiên Phật, coi cách trị và phép tắc thần thông hay giỏi thể nào, nên nhất định ngày mùng ba tháng ba, mời đủ tam giới hội về Thông minh điện mà dâng phép. Y theo lệnh truyền của Ngọc Hoàng, đến ngày ấy chư Tiên, chư Phật, chư Thánh, chư Thần, các vị ở núi cùng thập điện Long vương về chầu đủ mặt. Ngọc Hoàng phán rằng: “Ta lấy làm vui mà mời các vị về đây, để hầu dâng những phép của các vị đã tu thành, hay khéo là dường bao, răn đời trị thế, trừ diệt những loài tà mị có đặng nhân đức ở thế gian không. Vậy thì các vị hãy vui lòng cho ta biết đi rồi ta sẽ trọng thưởng”. Ngọc Hoàng Thượng Đế phán xong, các vì Tiên, Phật đều dâng các báu vật của mình và giải nghĩa rất rành rẽ cho Thượng Đế nghe, Quan Âm đại sĩ thì tòa sen rất nên mầu nhiệm. Phổ Am Tổ sư dâng phất thủ. Hớn Chung Ly dâng cây quạt, Trương Quả Lão dâng cây gậy. Tào Quốc Cữu dâng cặp sanh. Lam Thể Hòa dâng hoa lam, Lữ Đồng Tân thư hùng kiếm, Lý thiết Quả ngọc hồ lô, Hà tiên Cô thiết trạo, Hàng Tương Tử thì ống sáo. Kế Tam Quan đại đế dâng cây giáo. Thánh mẫu Phụng Hoàng Sơn dâng bửu tháp, Diêm vương dâng nghiệt cảnh đài; ấy là cái kiến để soi tội phước rất là huyền diệu. Kể ra các vị đều giải bày rõ mỗi vật báu của mình cho Ngọc Hoàng nghe rất tỏ rõ. Ngọc Hoàng hết sức khen tặng. Kế đó Long vương đại hải dâng trái châu và giải rằng: “Tâu Thượng Đế, ngọc minh châu của tôi hễ ai trông thấy, thì cả đời không hề lâm vào tai nạn chi cả; còn hào quang chói rọi rực rỡ đêm ngày. Long vương chưa kịp dứt lời, kế Mã Nhĩ đại vương (vua núi) liền dâng trái bửu châu và tâu rằng: “Trái châu của tôi còn quý hơn của Long huynh nữa, là: Nếu muốn thâu các ngọc báu bất kỳ ẩn nấp chốn nào, nó chói thấu đều đem rút lên mà hội lại tất cả. Và hễ ai trông thấy, thì cả đời không hề có tai họa”. Ngọc Hoàng nghe xong rất khen ngợi Mã Nhĩ hơn Long vương. Xong rồi Ngọc Hoàng liền thưởng cho các vị mỗi người một bầu rượu tiên. Đoạn bãi chầu, ai về nơi ấy. Vì lẽ ấy, Long vương căm giận Mã Nhĩ vô cùng, về tới đền, liền đem chuyện ấy mà bàn luận cùng tướng sĩ; ai nghe cũng sôi sục lòng gan. Long vương quyết cử binh đánh Mã Nhĩ một trận cho biết tài cao thấp. Các tướng rất vui mừng. Rạng ngày xuất binh kéo đến cửa núi Mã Nhĩ mà đánh. Binh tuần của Mã Nhĩ về báo. Mã Nhĩ đoán biết Long vương vì mối thù hôm nọ, tức thì đốc quân hối tướng xông ra mặt trận. Liền kêu Long vương mắng rằng: “Ta với ngươi không thù nghịch chi, sao mi dám đến đây mà khiêu chiến hử? Thật là mi rất vô lễ lắm đó”. Long vương cười gằn đáp rằng: “Ngươi quên sao? Ta với ngươi rất là đại thù, ngươi dám sỉ nhục ta giữa nơi Thông minh điện có đủ chư Tiên, chư Phật thật là nhục nhã ta vô cùng. Nay ta quyết lấy đầu ngươi mà đền tội ấy. Ngươi mau dâng ngọc cho ta, thì ta tha cho ngươi sống, bằng cãi chớ trách”. Cả hai cãi cọ một hồi, bèn đấu chiến với nhau rất là kịch liệt. Mã Nhĩ yếu thế hơn, nhưng mà vì lòng tức giận chẳng chịu thua. Còn Long vương quyết lấy đầu kẻ nghịch cho đặng mới nghe. Đánh gần đôi ba trăm hiệp Mã Nhĩ mỏi mệt, Long vương thừa thế chém đầu Mã Nhĩ, rồi kéo binh về động.

Khi quân báo cho vợ Mã Nhĩ hay, (bà đương có thai nghén) kêu la rất thảm thiết. Con là Tam nhãn Tì Khưu còn nhỏ không đủ sức cự đương, phần thì mẹ mới thai nghén. Tì Khưu đành tu luyện mà đợi kỳ tuổi trưởng.

Nói qua Đức Thích Ca ở tại núi Linh Sơn. Ngày nọ có Độc Hỏa đại vương vì nỗi hiềm riêng, bởi núi Tuyết sơn xưa của Độc Hỏa nay Độc Hỏa muốn đòi lại, Độc Hỏa liền thân hành đến núi Linh Sơn vào Lôi Âm tự. Đến nơi Thích Ca Như Lai cũng chào hỏi tử tế và hỏi rằng:”Ngài đến viếng tôi, hay là có việc chi, xin cho tôi được biết?”. Độc Hỏa thưa rằng: “Tôi đến đây cốt là viếng Ngài và cầu nhờ Ngài mà nghe lời kinh kệ, cùng xin dùng một bữa cơm chay vậy thôi”.

Thích Ca truyền đệ tử dọn cơm chay cho Độc Hỏa dùng, nhưng các đệ tử đều bạch rằng: “Bạch sư phụ, vì hôm nay đã quá bữa cơm rồi, bởi đại vương đến trễ cho nên không có chỗ ngồi và cơm dư, xin sư phụ bảo đại vương ngày mai sẽ đến”. Độc Hỏa nghe nói nổi giận, liền trông thấy bên bàn dọn cơm rất ngon, bèn nói lớn rằng: “Ta dùng bữa nay mà thôi, đấy đã có chỗ thiếu gì, bất quá mấy người nhịn đói đỡ mà đãi khách không đặng sao?”. Dứt lời ngồi đại mà ăn.

Khổng Tước trông thấy kẻ vô phép nổi giận mắng rằng: “Ta nói cho ngươi biết, ngươi là quỷ vương sao dám cả gan đến đây làm điều ngang ngược với thầy ta”. Dứt lời bèn liệng cái chén vào mặt Độc Hỏa”. Độc Hỏa nổi nóng bèn hóa lửa mà đốt Khổng Tước đồng tử. Làm cho Khổng Tước bị cháy cả mình la vang động. Thích Ca thấy vậy can ra, nhưng Độc Hỏa chẳng kể đến, ỷ mình tài hóa lửa rằng hay, Thích Ca liền hóa nước mù sương mà cứu Khổng Tước, Độc Hỏa nổi giận nói sao Thích Ca lại cứu học trò như thế, bèn hóa lửa đốt núi Linh Sơn. Thích Ca hóa ra trăm rồng phun nước tắt liền, Độc Hỏa đốt không cháy, lại mắng chưởi om sòm. Thích Ca cười rằng: “Này Độc Hỏa, ta nói cho ngươi rõ, ta là người tu nhiều kiếp, ta là người đã có trước ngươi hơn mấy ngàn năm, những núi này và Tuyết Sơn xưa của ta, sao ngươi lại tranh giành, ta cũng vì lẽ từ bi mà tính êm với ngươi, sao ngươi cứ mong kiếm thế mà làm dữ hoài như thế?” Độc Hỏa rằng: “Tôi không nói vì lẽ ấy, song tôi tức giận, sao Ngài lại bênh đệ tử kìa?”. Kế đó Diệu Kiết Tường bước ra khuyên bảo Độc Hỏa hãy trở về, chớ nói nhiều điều mà mang khổ hại, Độc Hỏa thấy một đứa nhỏ nói với mình như vậy, bèn nổi nóng hóa lửa đốt Diệu Kiết Tường. Kiết Tường cười rán mà rằng: “Ta cho ngươi đốt, ta cốt là ngọn đèn trên bàn Phật, ta là hỏa tinh muôn kiếp nào có sợ lửa đâu, nếu ngươi đốt ta không đặng, ta đốt lại ngươi bây giờ đa”. Độc Hỏa không tin cứ đốt mãi, Diệu Kiết Tường nổi giận bèn hóa lửa đốt lại, phút chút Độc Hỏa đã hóa ra tro bụi. Thích Ca can không kịp, bèn la rầy Kiết Tường rằng: “Ngươi là người tu luyện, sao dám vô lễ sát sanh, dầu cho kẻ kia thế nào, ngươi cũng nhịn nhục mới phải cho. Thế là ngươi phải bị đọa xuống trần gian rồi”. Diệu Kiết Tường lạy lục thế nào cũng không đặng. Thích Ca phán rằng: “Hiện nay có vợ của Mã Nhĩ khi xưa có lên Linh Sơn tự mà cầu con. Vậy thì ta cho mi xuống đó đầu thai, chừng nào mãng đọa sẽ trở về Tây phương”. Diệu Kiết Tường khóc rằng: “Trăm lạy sư phụ nếu con xuống đó, con không đủ huyền phép mà giữ mình, ắt sao cũng nhiều người hiếp đáp”. Thích Ca đáp: “Vậy thì ta cho ngươi năm phép ngũ thông và thiên nhãn hầu đỡ thân ngươi”. Dứt lời bèn niệm chú cho các phép mầu, rồi bảo Quan Âm dắt hồn Diệu Kiết Tường xuống thế đầu thai.

HỒI THỨ NHÌ
Mới ba tuổi, Linh Quang giết Long vương,
Nghịch một lần, Đại đế bắt Linh Quang.

Nói qua vợ của Mã Nhĩ, từ chồng chết tới giờ, đã có thai mà sao trông hoài chưa nở nhụy. Đêm nọ đương an giấc điệp, bỗng thấy hào quang sáng rỡ. Phút chút bà sanh ra được một hài nhi, trông ra có ba con mắt, liền đặt tên là Tam nhãn Linh Quang. Dè đâu rạng ngày Linh Quang phát lớn một cách lạ lùng. Tì Khưu là anh rất vui mừng, vui đoán chắc là thù cha trả đặng.

Quả nhiên Long vương đoán biết vợ Mã Nhĩ đã sanh thai rồi liền đem binh đến, quyết lấy ngọc báu và bắt vợ Mã Nhĩ về cung làm vợ. Long vương cử đại binh đến nơi khiêu chiến. Tức thì Tì Khưu điểm binh ra trận; hai đàng hỗn chiến. Tì Khưu đánh không lại Long vương, phải bại tẩu. Khi ấy Linh Quang tuy nhỏ mà dường như biết trước, vào lạy mẹ xin theo bảo hộ anh. Trong khi Tì Khưu bại trận, Long vương rượt theo quyết lấy ngọc. Linh Quang thấy vậy liền ra đón đường quyết đánh, bọn thủy binh thấy Linh Quang là một đứa con nít, nên áp nhau ra mà đánh, chẳng ngờ bị Linh Quang giết chết sạch. Long vương nổi giận ra trận nạt lớn rằng: “Ớ thằng nhỏ kia, mi tên chi, sao mi không trở về cho sớm, bằng cãi ta thì ắt rụng đầu”. Linh Quang cười rằng: “Ta là Mã Linh Quang đây, ta quyết báo thù cha ta, ta giết nhà ngươi lấy thủ cấp mời vừa lòng cho”. Dứt lời xông vào hỗn chiến. Long vương cự địch hơn hai trăm hiệp, thấy Linh Quang mạnh mẽ lạ lùng, Long vương kinh hãi, vừa muốn rút chạy, bị Linh Quang chém chết lấy đầu đem về dâng cho mẹ.

Ở nhà, mẹ con Tì Khưu đương lo rầu sảng sốt, bỗng thấy Mã Linh Quang xách đầu Long Vương về trước cửa Mã Nhĩ nương nương và Tì Khưu đồng chạy mừng rỡ. Thế thì mối cựu thù đã trả đặng. Cả ba mẹ con dọn tiệc xướng ca, cùng ba quân ăn uống. Mã Linh Quang là tánh chất anh hùng, cho nên ở nhà rất là buồn bực. Ngày nọ xin cùng mẹ và anh, đi ngao du các núi xem chơi cho biết. Mã Nhĩ nương nương thương con lắm, thấy con mình muốn đi chơi cho giải muộn, thì cho và sai gia tướng đi theo tùy tùng và kêu Linh Quang dặn rằng: “Này con, vả chăng con còn nhỏ tuổi, con có đi chơi tới nơi nào con cũng hãy giữ theo phép tắc, con chẳng nên ngang tàng mà miệng thế gièm pha”. Linh Quang xin vâng lời mẹ dạy. Rồi cùng gia tướng lên ngựa băng rừng bước lội. Khi đến một hòn núi kia, bỗng nghe tiếng chuông mõ om sòm, rất là vui vẻ. Linh Quang cứ nhắm ngay đó mà phăn tới. Quân cản mà rằng: “Nơi ấy là chùa của Thiên quan Tử Vi đại đế rất quan hệ, công tử không nên đến đó”. Linh Quang phân rằng: “Chỗ ấy rất quan hệ chừng nào, ta càng muốn xem cho biết, miễn là ta trông thấy mà thôi, chớ ta có phá táng gì hầu mấy ngươi lo sợ”. Linh Quang cứ xâm xuối đi vào chùa. Hôm nay vì Tử Vi về chầu Ngọc Đế không có ở nhà. Nên các đệ tử thấy Linh Quang đồng ra hỏi rằng: “Nhà ngươi ở đâu dám vào đây một cách tự do như thế, ngươi chẳng biết chỗ nghiêm cấm này sao?” Linh Quang liền đáp: “Tôi là con thứ của Mã Nhĩ, vì thấy nơi này là cảnh của Phật Tiên, nên muốn vào xem qua cho biết”. Các đồng tử nghe vậy bảo rằng: “Có vậy ngài chớ vào phía sau, vì chỗ ấy là nơi cấm, để chúng tôi dọn tiệc đãi ngài là đủ”. Linh Quang tính ưa chuyện lạ, vừa nghe nói cấm, lại muốn trốn ra sau cho biết, có cái gì lạ mà cấm. Linh Quang lén bước ra sau, quả nhiên thấy hai con quỉ rất là ghê gớm. Hai con quỉ ấy biết Mã Linh Quang, nên đồng nhau kêu cầu cứu. Linh Quang nhìn không thấy cột trói chi, sao mà gọi cầu cứu. Linh Quang hỏi: “Hai ngươi, ta đã mở cửa rồi, thì mau trốn đi, còn bảo ta thả nỗi gì nữa?” Hai con quỉ nói rằng: “Vì có cây giáo vàng đã ếm chúng tôi kìa, nên đi không đặng, trăm lạy ngài lấy giùm, thì chúng tôi mới thoát nạn, ơn ấy ngàn năm đền đáp, mà ngài lại lấy được cây thương báu quí ấy nữa”. Linh Quang nghe nói vậy bước lại nhổ cây giáo. Tức thì hai quỉ đứng dậy lạy tạ Linh Quang trốn đi mất. Còn Linh Quang lấy giáo trao cho gia đinh đem về nhà trước. Khi ấy thiên quan Tử Vi đại đế đã chầu Trời về đến. Trông ra đã mất cây giáo và hai con quỉ ấy rồi. Hỏi lại đệ tử mới hay có Mã Linh Quang tới đó, ắt là nó ăn cắp. Tử Vi liền sai Châu y lấy Cửu khúc châu ra quăng lên, sa xuống ngay mặt Mã Linh Quang hóa ra núi Mã Nhĩ, Mã Linh Quang về đền mà nạt rằng: “Ớ này Mã Linh Quang, mi thiệt là to gan lớn mật, dám tới đây ăn cắp cây thương của ta, và thả hai con quỉ xuống trần phá tán lê dân. Vậy ngươi mau trả lại món ấy cho ta, không thì mi sẽ chết bây giờ!” Mã Linh Quang cứ chối rằng không có. Tử Vi bèn nói hết cho Linh Quang nghe mà Linh Quang cứ không chịu trả. Thiên quan Tử Vi đại đế cả giận nói rằng: “Nếu vậy thì tại ngươi muốn chết, chớ trách ta”. Dứt lời niệm chú phút chốc Mã Linh Quang đã chết ngay trong Cửu khúc châu rồi. Mã Linh Quang hồn bay vơ vẩn…

Nói qua Diệu Lạc Thiên Tôn chiếm quẻ biết là Mã Linh Quang phải nạn, bèn đằng vân bắt hồn Linh Quang bay ngay qua cung Diệm Ngũ Thiên vương, vì vợ của Diệm Ngũ đương có thai sắp chuyển bụng. Diệu Lạc Thiên Tôn bèn cho hồn Mã Linh Quang đầu thai làm con của Diệm Ngũ Thiên vương. Quả nhiên Diệm Ngũ nương nương đã hạ sanh được một trai, rất là sáng suốt rực rỡ hào quang. Hiện trong đêm ấy Diệm Ngũ nằm chiêm bao thấy lời thần tiên dạy rằng: “Sẽ có một vị tiên hạ giáng đầu thai, ba con mắt, thì hãy đặt tên là Linh Diệu”. Chừng thức giấc nghe a hoàn báo tin, bà sanh được một thái tử lạ thường là có ba con mắt. Diệu Ngũ rất mừng rỡ chẳng cùng, bèn thắp hương đặng cầu Trời Phật, đặt tên con trai mình là Linh Diệu, từ nay hết sức cưng Linh Diệu. Càng ngày Linh Diệu lớn khôn, thì hằng có Diệu Lạc Thiên Tôn đến cung mà dạy dỗ mọi điều theo Tiên Phật. Diệm Ngũ rất vui mừng, cầu xin Diệu Lạc cho con mình theo thầy học đạo Diệu Lạc Thiên Tôn rất vui lòng đem Linh Diệu về cung truyền cho mười tám món binh khí thần thông và linh đơn màu nhiệm. Ngày kia Diệu Lạc giã ý đi du phang, kêu Kim Đao dặn dò mọi việc rằng: “Ngươi ở nhà hãy cất cây siêu báu của ta cho kỹ, chớ hề cho ai mượn hết”. Kim Đao đồng tử vâng lời. Chừng Diệu Lạc đi rồi ở nhà Linh Diệu năn nỉ với Kim Đao cần xin mượn cây siêu báu ấy mà thử phép. Kim Đao không cho, Linh Diệu mới tính thế giả ra thầy là Diệu Lạc về, bảo Kim Đao vào lấy cây siêu vàng đặng đi chầu Trời. Kim Đao tin lời đem ra trao cho thầy, té ra là đưa cho Linh Diệu, Linh Diệu liền hóa lửa nấu cây siêu vàng thành ra một cục vuông ba bề, bỏ vào túi áo mà cất. Kế đó Diệu Lạc hỏi về cây siêu, làm cho Kim Đao thất vía, chỉ quyết cho Linh Diệu gạt lấy chớ không ai. Diệu Lạc đòi Linh Diệu ra hỏi, thời Linh Diệu đền chịu tội với thầy ngay. Diệu Lạc cười mà rằng: “Ấy là tội của con song vì lòng của con hiểu phép quá mà sanh ra, thầy cũng vui lòng cho con hãy cất cho kỹ lưỡng đừng để mà bị mất đa nghe”. Linh Diệu rất đỗi vui mừng, cúi đầu trăm lạy tạ ơn Diệu Lạc là thầy hiền đức.

Hồi thứ ba
Phong, Hỏa đôi yêu phá thế,
Ngọc Hoàng sai Linh Diệu trừ

Nay đã đến kỳ Thượng Đế ngự bàn trời. Kim Tinh Thái Bạch đặt gối tâu rằng: “Muôn tâu thượng đề, nay có hai yêu là Phong chi đào và Hỏa chi đào ở động Phi Liên, xuống trung giới phá hại người, xin Thượng đế sai người trừ trước cho nhân sinh nhờ”. Thượng Đế hỏi: “Hiện giờ khanh liệu sai ai có thể trừ đặng?” Thái Bạch suy nghĩ rồi tâu rằng: “Hiện nay có học trò của Phật, Linh Quang đã đầu thai kiếp thứ nhì là Linh Diệu nhờ Diệu Lạc Thiên Tôn truyền cho phép báu, có thể trừ được đôi yêu ấy”. Ngọc Hoàng y lời, viết chỉ sai Linh Diệu lãnh binh trời mà trừ yêu cho bá tánh. Linh Diệu vâng lệnh, dẫn binh suy nghĩ nếu thừa dịp này ghé thăm mẹ và lấy cây thương báu hầu khi làm khí giải mới tiện cho. Nghĩ rồi, bèn hạ ngay xuống núi, tuốt vào hầu mẹ. Mã Nhĩ nương nương trông thấy ôm mà khóc òa, và hỏi han mọi nỗi! Linh Diệu quì lạy mẹ, mà khóc ròng, rồi đem các việc bị giết và đầu thai lại cho mẹ và anh nghe. Mã Nhĩ phân rằng: “Vậy thì con từ rày chớ đi xa nữa”. Linh Diệu tâu rằng: “Bẩm mẹ, hiện nay con đã vâng lệnh Ngọc Hoàng, hạ giải trừ đôi yêu nghiệt kia, con ở nhà chẳng tiện đó mẹ à. Cúi xin mẹ vui lòng cho. Và con cầu xin anh có còn giữ cây thương ngay ấy, hầu cho em mượn cầm tay”. Mã Nhĩ nghe xong cũng bằng lòng. Còn Tì Khưu sai quân vác cây thương ra cho em. Linh Diệu liền bái mẹ mà rằng: “Con cúi đầu xin thưa cùng mẹ, nay con vì việc trời, con phải lo cho tròn bổn phận, nếu ngày nào con diệt trừ loài phá hại kia xong, con sẽ về đây hầu mẹ”. Dứt lời từ biệt mà đi, ba người đều khỏe. Linh Diệu dẫn ba ngàn binh nhằm trần gia chỉ dặm, đến nơi xuất binh khiêu chiến. Quân vào báo cho Phong và Hỏa hay. Phong Hỏa hai yêu nghe vậy nổi giận dẫn yêu đồng hỗn chiến. Hai yêu thấy Linh Diệu thì chẳng thèm hỏi nói chi cả, chỉ lấy báu của mình là Phong luân và Hỏa luân liệng lên. Lửa cháy mịt trời, gió thổi đá bay làm cho binh trời cuốn sạch. Linh Diệu cười lớn rằng: “Chúng bây là loài yêu quái, đốt ta sao cháy mà mong làm dữ”. Liền lấy Tam giác kim chuyên liệng lên trời. Cả hai yêu kinh hãi chạy dài vào động đóng cửa ẩn thân lánh nạn. Làm cho Linh Diệu phải bơ vơ không biết kế chi bắt đặng. Liền đó suy ra một kế, là giả đệ tử của Tây Vương Mẫu, dùng hỏa đơn hóa ra hai trái đào, hầu gạt hai gã nầy mới đặng cho. Linh Diệu hóa ra Ngọc Nữ, tay cầm hai trái đào bước vào cửa động. Bầy yêu áp hỏi: “Cô nương người ở đâu mà tới đây như vậy?” Linh Diệu giả đáp rằng: “Ta là Ngọc Nữ đến đây xem đánh giặc chơi vậy mà”. Bầy yêu nghe mùi đào thơm, đồng cùng nhau xin hai trái đào của Linh diệu, Linh Diệu phân rằng: “Đào này chúng bay nào hưởng được, vì nó quí lắm, ăn vào thì hóa ra hình nhẹ tựa bông, sức mạnh vô chúng nói đặng, chúng bây nào được phép hưởng mà mong”. Bầy yêu nghe vậy chạy vào báo tin cho Phong và Hỏa chủ mình hay có người đem của báu. Hai yêu nghe rất mừng thầm sai bộ hạ mời vào. Linh Diệu được mới bèn nhẹ gót sen bước tới cúi đầu chào… Ở ngoài cửa động đóng chặt lại liền.

Hai yêu tưởng mình đắc kế, bèn nạt lớn rằng: “Ngươi mau dâng hai trái đào cho hai ta; bằng cãi, khó nổi ra khởi chốn này cho đặng”. Ngọc Nữ lấy làm run sợ, kế bày yêu áp lại giựt hai trái đào dâng cho hai chủ mình, Phong và Hỏa được đào rất thèm ăn, bỏ vào miệng, ai ngờ nóng như lửa đốt, song đào đã chạy tuốt vào bụng. Linh Diệu hiện nguyên hình nạt lớn rằng: “Ơ nầy hai yêu, mi thấy phép biến hóa của ta chưa, nay mi đã nuốt hỏa đơn vào bụng rồi, mau đầu thì khá, bằng không thì mạng ra tro bây giờ!” Hai yêu tẩu thoát nhưng bị cháy cả gan ruột, bèn ngã lăn cầu xin tha tội.

Liền đó Linh Diệu thâu Phong luân và Hỏa luân cưỡi đi như bay mà dẫn hai yêu về nạp. Ngọc Hoàng thượng đế rất đỗi vui mừng, đầy hai yêu sa địa ngục, phong cho Linh Diệu làm Mã nguyên soái. Như thế mà có người lại chẳng vừa lòng. Đặng Hóa tâu rằng: “Tâu Ngọc Đế! Như Linh Diệu có công nhỏ mọn mà được chức Nguyên soái, vậy tôi xin đấu sức cùng người”. Ngọc Hoàng cười rồi y lời cho thí võ với nhau, coi ai cao ai thấp cho vừa lòng nhau.

Hai người ra sân đấu võ với nhau. Ai ngờ Linh Diệu kỳ tài, bắt đặng Đặng Hóa dở hỏng chân mà để xuống. Làm cho Đặng Hóa hết sức thẹn thùa giữa đô hội. Thượng Đế ban khen Linh Diệu hết sức, đoạn bãi chầu.
Cách ít ngày sau, đã tới kỳ phân long, gió mưa thế giải cho kẻ nhà nông làm ruộng. Các vị chân nhân tâu cùng Ngọc Hoàng thượng đế cho Nguyên soái Linh Diệu làm chức Minh Thụ mới có đủ tinh thần hùng tráng mà cai trị các vị rồng nhỏ ở biển mới lên, tánh hay biếng nhác. Ngọc Hoàng y tấu, đòi Linh Diệu nguyên soái đến mà phú thác việc ấy. Linh Diệu nguyên soái lãnh chức Minh phụ mà coi phân long bốn phương trời đất.

Hồi thứ tư
Hội Phân – long, Linh – Diệu công bình,
Giữa tiệc rượu, Thiết – Đầu bị đuổi.

Minh phụ là Linh Diệu đã ra lệnh mời các vị Long vương chầu yến tiệc hội phân long. Chỉ có Ngao Quảng trong lòng hết sức lo ngại, vì mình đã già yếu, không sức hô phong hoàn vũ như xưa được. Ngao Quảng đương rầu lo, bỗng có con trai là Thiết Đẩu thái tử bước tới quì tâu rằng: “Muôn tâu vương phụ, con xem khí sắc vương phụ tỏ ra buồn bực, chắc là phụ vương đã già yếu rồi, e sợ tới kỳ phân long này, phụ vương không đủ sức đảm đương trách nhiểm của mình chăng. Vậy con xin đi thế cho”. Ngao Quảng rất mừng, vùng nghĩ lại giật mình mà rằng: “Con đi thì được, trong con có tánh trà rượu say sưa, e cho mắc phải tỗi lỗi chẳng vừa mà chớ”. Thiết Đẩu thề rằng: “Con ra làm việc công, con xin bỏ hẳn rượu trà. Nếu con còn thế ấy, con xin không toàn tánh mạng cho rồi đứa con bất hiếu”. Ngao Quảng nghe con thề chắc chắn liền cho đi thế. Thiết Đẩu sắm sửa, tới ngày đằng vân giá võ bay bổng trên thiên môn mà dự tiệc.

Minh phụ Linh Diệu mời các Long vương vào nhập tiệc, đoạn Linh Diệu đọc luật cấm rõ ràng cho các vị nghe, và khuyên bảo các vị hãy siêng năng cần mẫn, lo mưa rưới cho thế gian nhờ, đừng để nên hạ mà phải bị phạt”. Khi rượu rót bọt vung, Thiết Đầu thèm thòi vô hạn, vì các vị lớn uống trước, tới phiên anh chàng nhỏ ở sau, bèn bưng bầu mà đổ vào miệng, trong giây lát đã say mèm. Lại mở lời ô rê rằng: “Ông Minh phụ không công bằng rồi. Theo lẽ thì mời tôi uống trước, vì cha tôi là người lớn hơn hết, tôi đi thế cho cha tôi, thì mời tôi uống trước mới phải chứ. Các vị đều khuyên không nên nói nhiều. Thiết Đầu nói mãi. Minh phụ Linh Diệu nổi nóng mà rằng: “Nhà ngươi rất vô lễ, cha ngươi là người lớn thì ngồi trên, còn ngươi thì phải ngồi dưới, cớ sao mi dám vô lễ như thế? Vậy thì ngươi phạm luật quá đàng, ta định lột chức ngươi”. Nói dứt lời nắm cổ Thiết Đầu quăng xuống biển thế gian. Thiết Đầu bị té xuống uống nước hồi lâu giã rượu, giật mình nghĩ lại rất thẹn thùa, không dám trở về cung, sợ cha hành tội. Liền hóa ra một con cá rất lớn lạ lùng, lội theo dòng nước. Dè đâu ỷ sức mạnh lội trở lên bãi biển mặc cạn, chúng dân trong thấy một con cá quá lớn, kéo khiêng gì cũng không nổi, bèn cùng nhau áp lấy dao lóc thịt. Cá ta bị đau quá vùng vẫy dữ dội, tuốt được xuống biển mà bôn tẩu. Về tới cung Thủy tinh, hiện nên hình người đầy những máu me ghê gớm. Thiết Đầu vào lạy cha mà phán qua các tội trọng: “Vì con về sợ cha rầy, nên hóa ra cá lội chơi, ai ngờ mắc cạn, bị dân áp nhau lóc thịt, nên nay con đành phải chết, xin cha báo cứu cho, hồn con rất vừa dạ!”. Dứt lời liền chết. Ngao Quảng ôm con mà khóc, rồi an táng. Liền đem binh tôm, cá, dâng nước báo cừu, dân nơi đó rất là nguy khốn; nước ngập cho đến miếu môn của mấy bà đều trôi tuốt hết. Mấy bà Hậu Thổ mấy ông Thổ Thần chạy về báo tin cho Nam Tào hay. Nam Tào tuốt về tâu Thượng Đế. Ngọc Hoàng sai Thổ Đức xuống cứu dân, Thổ Đức xuống đánh cho một trận. Long vương bại tẩu, rồi làm phép cho nước sụt xuống tức thì. Mấy bà Hậu Thổ rất mừng, mời Thổ Đức vào miếu mà nói rằng: “Nhờ ơn ngài cứu cấp. Nhưng có điềm lạ là thưở giờ cây Quỳnh không có bông, nay sao bị ngập vừa rồi, lại trổ bông thơm bát ngát, chúng tôi muốn dâng về cho Ngọc Đế”. Thổ Đức thấy Quỳnh hoa rất lạ, bèn lãnh dâng đến Ngọc Hoàng. Thổ Đức đằng vân về tới Cửu trùng, vào tâu việc nước lụt đã hết rồi, nhân dân lạc nghiệp. Tức thì Thổ Đức dâng Quỳnh hoa lên cho Ngọc Đế. Ngọc Hoàng xem thật là hoa quí, ban khen Hậu Thổ nương nương. Rồi bảo rằng: “Theo ý ta thì hoa này quí lắm. Để ta phú cho Kim Thương làm chủ cuộc, mời hết các vị công thần của trẫm, hễ ai được công lao lớn thì giắt hoa trên đầu và uống rượu, còn ai vô công thì không đặng hưởng. Thái tử Kim Thương y lênh mở hội Quỳnh hoa mời đủ các vị Tiên Phật. Kim thương đưa nhánh hoa, ai ai cũng từ chối, sợ mình không đủ công lao mà giắt bông quí ấy, cho đến Linh Diệu cũng từ luôn. Thái tử Kim Thương thấy thế lấy giắt trên đầu mình và uống rượu nữa.

Linh Diệu thấy thế lấy làm căm tức, liền hỏi rằng: “Thái tử không công cán chi, sao dám mạng lệnh mà giắt hoa và uống rượu như vậy?” Thái tử nói: “Vì ai nấy không chịu hết, nên ta biết ai có công mà thưởng; vì vậy ta buộc lòng giắt hoa, sao ngươi dám bắt lỗi ta?” Linh Diệu nói: “Tôi vì các vị lớn, nên khiêm nhường, chứ tôi là người có đại công, bắt hai con yêu kia đó”. Thái tử cãi cọ một hồi, Linh Diệu bèn giựt hoa mà giắt trên đầu, rồi lại giả say đánh Thái tử và la lớn rằng: “Ta là Huê Quang đại vương”. Bá quan hoảng sợ chạy hết. Còn Linh Diệu giả say nằm ngay không dậy. Thái tử bị đánh chạy tuốt vào tâu cùng Ngọc Đế: “Muôn tâu phụ vương, vì tôi vâng lời phụ vương mở hội Quỳnh hoa, ai ngờ Linh Diệu ỷ mình ngang ngược đánh con, xưng là Huê Quang đại vương xin cha trị tội kẻ thất phu!” Ngọc Hoàng liền cho đòi Huê Quang vào điện phán rằng: “Sao ngươi dám cả gan mà đánh con ta như thế?”. Huê Quang chối, và xin đòi các quan làm chứng. Ngọc Đế đòi đủ hết. Các quan vì sợ chuyện có mình mà để cho đánh lộn, bèn hè nhau cho là không có đánh, chỉ vì Huê Quang say rượu nói nặng lời mà thôi. Ngọc Hoàng lên án lột chức Nguyên soái của Linh Diệu và bảo theo hầu hạ Đặng Hóa nơi cung mặt nhựt. Huê Quang đành cam chịu, lãnh chức du thân, sang qua cung nhựt, chờ chừng nào mãn tội sẽ phục hồi ngôi cũ.

Khi Huê Quang đến hầu Đặng Hóa, Đặng Hóa rất mừng thầm rằng, mình sẽ rửa hận ngày xưa đấu võ thất bại, bèn cười mà rằng: “Huê Quang, sao ngươi tới làm việc cùng ta, mi không quì ngay xuống?” Huê Quang thất thế phải chịu quì liền. Đặng Hóa liền ra lệnh rằng: “Vậy thì mỗi ngày ngươi hãy chạy theo mặt nhựt mà gìn giữ, nếu bê trễ sẽ bị bốn chục roi da.” Huê Quang vâng lệnh, song biết cho kẻ tiểu nhân thù mình, nghĩ buồn mà rằng: “Cha chả, bây giờ mỗi ngày chạy theo mặt nhựt thì ai mà chạy cho nổi, bằng không thì bị đòn. Tốt hơn là ta tính mưu này ắt xong. Thế thì ta hóa ra một hình giả chạy theo, còn ta nghỉ ngơi cho khỏe, coi chúng nó làm chi ta đặng không?”. Đặng Hóa tính kế này nghĩ mưu khác quyết đánh Linh Diệu cho được mới nghe. Linh Diệu thấy thế khó ở cho yên đặng, bèn viết trong cuốn sổ mấy hàng chữ như vầy: “Thời vận vô đoan, anh hùng thường xấu phước. Gặp phải tay cừu không nhịn đặng, từ đây Huê Quang chịu tiếng phản thiên cung”. Viết xong bèn bay mất, Mã Nhựt Kê xách sổ về cho Đặng Hóa xem. Đặng Hóa đem binh quyết bắt. Ai ngờ Đặng Hóa đánh chẳng lại Huê Quang, đành trở về báo cáo cùng Ngọc Hoàng Thượng Đế.
(Hết tập 1 - Xem tập 2)

Tập thứ 2 - Nam du Huê Quang
Hồi thứ năm
Huê Quang phạm tội đọa đày
Đặng Hóa cựu thù cố quyết

Còn Huê Quang xuống thế gian, bỗng thấy một hòn núi rất là xinh đẹp, tuốt vào thấy có động tiên, liền cầu xin vào tu niệm. Đây là động của Hỏa diêm vương Quang hiệu là Khuyến Thiện đại sư. Ngài đang ngồi trong động, vùng thấy Huê Quang bước vào cung bái. Liền hỏi rằng: “Nguyên soái là một vị tướng trời, nay vì sao lạc loài đấy đây, xin cho bần đạo rõ?” Huê Quang bèn đem các điều của mình bị tội mà khai thật hết, và cầu xin ở đây tu luyện. Khuyến Thiện đại sư rằng: “Nếu ngươi bỏ tính nóng nảy, thà lão mới dám nhận làm đệ tử, bằng chẳng, lão nào dám nuôi người trong động!” Huê Quang thề xin qui y ăn năn hối hận. Khuyến Thiện rất vừa lòng, cho Huê Quang làm đệ tử từ  từ đây…

Ngày kia dưới Đông Hải, bỗng nhiên chiếu sáng lòa nước lên. Ấy là do Ngao Quảng ăn lễ, nhả ngọc minh châu chiếu sáng như thế. Huê Quang ở trên núi trông thấy điềm lạ, bèn trợn con mắt ở giữa ra mà trông coi điều chi cho biết. Huê Quang thấy rõ là hột minh châu để giữa tòa Thủy tinh. Huê Quang tuốt xuống mé biển, thấy nội đền đều say rượu hết. Chàng hóa hình ra một con tôm lội ra ăn cắp hột minh châu ấy ngay, rồi giấu không cho thầy hay, mà phải bị tội nặng.

Khi Ngao Quảng thức dậy thấy mất minh châu, kinh hồn lạc vía, sai quân tìm khắp nơi không có. Ngao Quảng định qua Nam hải hỏi thăm Quan Âm, may ra có thấu chăng! Liền qua đến nơi, đem hết sức oan ức, cầu Phật Quan Âm chỉ giùm làm phước. Quan Âm xem rồi cười mà rằng: “Hiện nay Huê Quang đã lấy đem về giấu ở núi Triều Chơn. Người hãy về đó mà kiếm”. Ngao Quảng cả mừng từ tạ về điểm binh tôm cá, áp vây núi Triều Chơn, kêu Huê Quang bảo trả báu vật. Khuyến Thiện đại sư nghe thế, biết là Huê Quang ăn cắp minh châu, bèn đòi Huê Quang bảo trả lại cho Ngao Quảng. Huê Quang cầu xin ra trận một lần mới hay. Dứt lời Huê Quang cầm thương xông ra. Ngao Quảng chỉ ngay mà nói rằng: “Ngươi ăn cắp ngọc của ta, có Quan Âm làm chứng, ngươi mau trả cho ta”. Huê Quang không chịu trả. Hai bên ẩu đả với nhau, Ngao Quảng bị Huê Quang đánh bại tẩu chạy về cung Thủy tinh, lấy làm căm tức bồi hồi. Còn Huê Quang về tâu cho thầy hay, vì Ngao Quảng ỷ mình, nên tôi đánh cho một trận chạy nhào xuống biển. Khuyến Thiện làm thinh, Kế nói với Huê Quang rằng: “Nay thầy cần về chầu Thượng đế, đệ tử ở nhà ít bữa ta về”. Bỗng nhiên Huê Quang khóc rống lên. Khuyến Thiện hỏi rằng: “Vì cớ sao nhà ngươi khóc?” Huê Quang bạch rằng: “Con từ bị Đặng Hóa ác nghiệt, con trốn xuống trần gian đến nay. Con ngậm ngùi nhớ cha thương mẹ, không biết làm sao thăm viếng!” Khuyến Thiện nghe vậy rất cảm động, suy nghĩ nói rằng: “Theo như lời ngươi nói, thì ra rất cảm thương cho đó có lòng hiếu thảo. Ta có thể cho ngươi theo về đến thiên tào mà thăm cha mẹ đặng, song ta e cho ngươi sanh chuyện chẳng lành.” Huê Quang lạy mà khóc rằng: “Con trăm lạy thầy, con nay đã bỏ hẳn những tánh nóng nảy, con đã bị mất chức nguyên soái một lần, con rất ăn năn, nếu thầy giúp cho con về thăm cha mẹ, thì con quyết thề, không khi nào con dám sanh chuyện chi tất cả.” Khuyến Thiện căm xót mà rằng: “Nếu con được vậy, thì thầy cho đi, đây thầy trao cho con xâu chuỗi báu nầy, con đeo vào cổ đi không ai trông thấy. Khi con thăm cha mẹ rồi, mau mau về chùa, chớ nên ở lâu sanh sự đa nghe”. Huê Quang lãnh chuỗi, cúi đầu bái lạy xin vâng lời thầy dạy.

Khi Huê Quang về tới thiên tào và cung Đẩu tư mà không ai thấy hết. Chừng cởi chuỗi ra, chàng đã quì trước mặt cha mẹ, mà khóc kể việc xa cách bấy lâu. Diệm Ngũ thiên vương cùng nương nương bỗng nhiên trông thấy con quì dưới gối, vùng la lớn rằng: “Con! Con! Bây lâu con bỏ cha mẹ mà đi đâu mất tới bây gờ vậy hở!” Huê Quang thưa rằng: “Từ ngày con bị Đặng Hóa làm ức, con mới làm phản trốn xuống thế gian, may nhờ con là Khuyến Thiện đại sư cứu con. Nay thầy con cho xâu chuỗi này, ẩn hình về thăm cha mẹ đây, thậy là ơn quá trọng”. Diệm Ngũ khóc mà rằng: “Con ơi, từ con làm phản Đặng Hóa, thì Đặng Hóa về tâu với Ngọc Hoàng rằng: Con phản nhựt cung, con xuống trần thế xưng vương, và chờ ngày đem binh về trời mà giết thái tử Kim Thương, cho nên Ngọc Hoàng đã sai đích thân các vị thần thông đem binh xuống bắt con mà giết. Vậy thì rạng ngày con hãy trốn đi mà lánh nạn”. Đêm ấy Huê Quang nằm không an giấc. Nghĩ ra một kế là giả quân Trời vào đầu quân Thái tử, hầu thích khách mới yên muôn việc.

Tính vậy rạng ngày liền bái biệt cha mẹ xong. Ra khỏi cung tức thì biến ra một người cao lớn dị thường, tuốt vào cung Thái tử. Thái tử Kim Thương trông thấy Huê Quang giả người cao lớn thì hỏi rằng: “Ngươi ở đâu, đến đây có chuyện chi?” Huê Quang tâu rằng: “Muôn tâu Thái tử, tôi có nghe lệnh Ngọc Hoàng hội binh Trời đặng nã tróc Huê Quang nơi trần thế. Nên tôi vào xin đầu quân, hầu lập chút công danh”. Thái tử hỏi: “Ngươi tên họ chi?”. Vừa lúc ấy Huê Quang đã kề gần. Vùng hiện nguyên hình đâm đại Thái tử. Kinh Thương kinh hãi chạy nhào vào núp tại kiến ta bà. Huê Quang rượt theo mà kiếm không đặng, xẩy thấy hai con qủi đương bị xiềng. Huê Quang nói: “Hai ngươi có thấy Thái tử chạy đâu chăng?” Hai quỉ nói: “Ngài hãy mở xiềng cho hai tôi, thì chúng tôi sẽ chỉ Thái tử cho”. Huê Quang y lời, mở xiềng xong. Hai quỉ chỉ Thái tử đang núp tại kiến kia, (hai quỉ xuống trung giới liền trong lúc đó). Còn Huê Quang lấy kim chuyên liệng bể kiết rượt Thái tử. Kim Thương lúc này liệu thế chạy không khỏi, bèn há miệng la vang trời mà kêu cứu!

Bốn phía các binh trời tướng hội, trùng trùng áp tới mà phò hộ Thái tử, đánh với Huê Quang. Huê Quang một mình cự sao lại thiên binh. Chàng bèn hóa lửa đốt đền đài rồi thừa cơ độn hỏa mà về thế gian. Lúc này Huê Quang suy nghĩ, không dám về thầy, vì tại nơi mình lỗi đạo, ắt thầy không dung. Nghĩ thế bèn ngao du kiếm chỗ đỡ nương. Chàng đi tới một cái núi rất là xinh đẹp, bông hoa đua nở, mùi thơm nhẹ mũi. Chàng hỏi thăm thổ địa mới hay là núi Ly lâu, có hai con quỉ là: Thuận Phong Nhĩ và Thiên Lý Nhãn. Một người thì ngó xa muôn dặm đều ngó thấy, một người ai nói xa mấy ngàn dặm cũng nghe. Bấy lâu khuấy rối thiên hạ nước nầy vô số kể. Huê Quang nghe vậy rất nóng nẩy, bèn tuốt vào quyết cho gặp mặt.

Nói qua hai yêu ấy, một người đã nghe rõ, một người đã thấy rõ Huê Quang, mong vào bắt mình, thì cả hai hết sức lo tính, quyết bắt Huê Quang cho được mà ăn thịt thì quí báu lắm, chứ nếu chường mặt ắt không thể nào đánh cho lại Huê Quang. Thiên Lý Nhãn bày mưu rằng: “Bây giờ hai ta hóa ra làm hòn núi sát bên đường vô, chờ khi Huê Quang đi tới, ép lại mà ăn thịt mới tiện cho”. Anh em suy ra kế rất mừng, hóa thành ra hai hòn núi. Khi Huê Quang vào gần tới động yêu, dòm không thấy ai hết. Chàng lấy làm hồ nghi, sợ cho loài yêu quái nó có phép ẩn thân chăng. Chàng bèn lấy tay vạch con mắt giữa mà trông coi… Quả thấy hai con quỉ hiện ra hai hòn non nhỏ, quyết chí ép bắt mình mà ăn. Chàng cười thầm rằng: “Ta thừa cơ giả không biết đi gần tới đó, hóa lửa đốt cho nó chết cho hết phá thiên hạ nữa”. Lần lần đến nơi, miệng đọc thần chú, tức thì lửa cháy bừng lên nơi hai hòn non ấy. Hai con quỉ kinh hồn tức thì hiện nguyên hình, nhưng chạy đâu không khỏi, túng thế áp nhanh đánh đại. Huê Quang vừa đánh và suy nghĩ: “Nếu mình có hóa phép mà giết chắc là một đứa mà thôi, chi bằng lựa kế bắt cho được hai đứa này mới dứt hậu hoạn cho”. Nghĩ vậy bèn giả thua bỏ chạy. Hai quỉ tưởng thiệt lật đật rượt theo. Huê Quang chạy một đỗi bèn dừng bước lại cười nói với hai yêu rằng: “Chúng bây có sức gì mà cự cho lại ta, song ta chẳng muốn đấu chiến  mà làm chi, vậy ta giao với hai ngươi như vậy: Nếu hai ngươi cầm nổi cây thương của ta đây, ta chịu theo làm bộ hạ của hai người liền”. Hai quỉ cười lớn mà rằng: “Nhà ngươi đã đánh không lại hai ta, lại còn nói lối, cây thương của ngươi ta nắm một tay cũng nổi, mà ngươi có y lời vậy hay không?” Huê Quang đáp: “Ta không biết nói sai đâu mà ngươi sợ”. Hai quỉ rất bằng lòng. Huê Quang bèn cậm cây thương xuống đất. Ban đầu Thiên Lý Nhãn ỷ sức bước lại nhổ lên, hè huội thế nào cũng nhổ không nổi, tới phiên Thuận Phong Nhĩ nhổ cũng chẳng lên. Huê Quang cười rằng: “Vậy thì để ta nhổ lên để nằm cho hai ngươi đỡ”. Chàng bước lại nhổ coi nhẹ bỗng. Chàng để nằm, bằng một đầu người, dở không nổi, áp lại cả hai. Ai ngờ bị Huê Quang niệm chú, cả hai đều dính vào cây thương hết, khác nào lấy giây mà trói, vì cây thương ấy kị yêu. Hai yêu biết mình đã mắc mưu rồi, đồng nhau kêu la tha thiết, cầu cứu vang tai!! Huê Quang bèn nói rằng: “Hai ngươi tội ác vô ngần, ta giết hai ngươi đế cứu nạn cho nhân dân, thì có thế nào ta tha đặng. Song có một đều là hai ngươi nếu biết ăn năn cả tà qui chánh, thì ta dung dưỡng cho”. Hai yêu nghe vậy, muôn phận thệ chịu y lời dạy bảo, xin làm bộ hạ đến mãn kiếp mới vừa. Huê Quang nói: “Quả thiệt hai ngươi theo ta, thì ta tha cho”. Hai yêu dạ! dạ! Huê Quang bèn lấy hỏa đơn bảo hai yêu: “Hả miệng ra ta bỏ thuốc vào, thì thấy hai tay ra mới được. Nhưng mà ta dạy một điều. Nếu hai ngươi trở lòng làm phản ta, thì hai hột hỏa đơn sẽ cháy trong bụng hai ngươi chết liền đa nghe”. Hai yêu nuốt hỏa đơn vào, tức thì lấy tay ra đặng, hai yêu bàn với nhau rằng: “Chúng ta giả chạy trốn thử coi, hỏa đơn kia có thiệt linh nghiệm chăng?” Tức thì co chân chạy. Huê Quang niệm chú trong ruột hai người lửa cháy. Hai yêu hoảng vía lạy bái liên miên mà rằng: “Chúng tôi muốn thử phép của lệnh đại vương. Vậy xin đại vương dung cho chúng tôi khỏi chết. Quyết thề làm tôi mọi từ đây”. Huê Quang thâu hỏa lại. Hai người khỏi chết bái lạy xin hàng đầu! Huê Quang hỏi rằng: “Hiện nay ta có việc rắc rối lắm, không thể nào nói cho hai ngươi nghe đặng ta muốn ẩn dật nơi nầy có đặng cùng chăng vậy!” Hai yêu đồng thưa rằng: “Bẩm đại vương được lắm. Vì ở đây mỗi năm vua nước này phải đem con trai, con gái và lễ vật cúng tế cho hai tôi luôn luôn. Nếu mình muốn dùng vặt gì cũng được cả”. Huê Quang rằng: “Hai ngươi thật là tội ác dẫy đầy, từ đây hãy ăn năn hối ngộ. Chớ bảo vua dâng thịt người nữa, ý ta muốn, tốt hơn là bảo vua phải lập miểu mà thờ ta cùng hai ngươi, mà cần phải lên cốt mới đặng”. Hai yêu thưa rằng: “Bẩm đại vương, nếu đại vương muốn thể nào thì cũng đặng hết. Vậy thì để tối nay, hai tôi cùng đại vương đến đền vua cho vua nằm thấy chiêm bao, dạy y như lời đại vương nói đó”. Trong đêm ấy Huê Quang đi cùng Thiên Lý Nhãn đến vung vua Thiên Điền hóa phép cho vui nằm chiêm bao trông thấy tợ mặt ba người, rồi bảo lập miếu mà thờ, và lên cốt cho hẳn hòi, thì sẽ phù hộ quốc dân lạc nghiệp, mùa màng êm thuận.

Hồi thứ sáu
Vua lập miếu thờ Huê Quang
Hỏa Phiên thù bắt Công chúa

Qua ngày sau, vua lâm triều bái yết xong, vua liền đem điềm chiêm bao rõ ràng như vậy mà bày tỏ cho các quan nghe, các quan liệu lượng thế nào, cho chúng dân nhờ đức?” Các quan nghe rất đỗi mừng, đồng nhau tâu rằng: “Nếu vậy thì Huê Quang hiện xuống, ắt là nước nhà hữu phước, cho nên hai vị ác thần kia phục tùng, không cho cúng nạp trai gái như xưa nữa. Vậy thì xin bệ hạ lập miếu thờ Huê Quang vương cùng hai vị thần ấy cho xứng đáng”. Vua y lời hỏi: “Vậy thì các quan tính phải lập miếu ấy nơi nào cho được đẹp đẽ xứng đáng?” Các quan bàn luận tâu: “Chỉ có cái miếu của Hỏa Phiên tướng, hiện nay đã hư rồi, xin bệ hạ cất ngay chỗ ấy cho xinh đẹp mà thờ”. Vua liền hạ cho lập miếu, hai tháng đã thành. Rồi mướn thợ lên cốt Huê Quang và hai vị thần kia y theo lời mà thờ. Ngày khánh thành có đức vua và các quan tề tựu đủ hết. Từ nay Huê Quang đã làm xong việc thiện, bèn bảo hai vị thần hầu rằng: “Hai ngươi phải ở miếu này mà phò hộ chúng dân, để ta ngao du giải muộn, cùng gặp đều thất đức của thế gian thì ta sữa cải mà làm phước”. Hai vị hầu vâng lời chỉ dạy. Huê Quang liền đi. Nói qua Công chúa tại trào, nghe miếu Thiên Vương linh lắm nên cầu xin cùng vua, lên đó trước xem qua sau là cầu phước. Vua sai thế nữ theo hầu. Ngờ đâu vừa khi Công chúa đi nửa đường, bỗng một luồng gió thổi qua, có một vị thần đã xớt mất Công chúa. Làm cho kẻ hầu kinh hãi chạy về trào báo tin dữ dội ấy. Vua nghe sảng sốt cùng quần thần bàn luận, có lý nào Huê Quang bắt công chúa? Mà Huê Quang không bắt thì ai bắt. Vua định chắc Huê Quang bắt, nên truyền lệnh đốt miếu  cho rồi. Các quan tâu xin rằng: “Có lẽ không phải Huê Quang bắt. Vì Huê Quang đã bảo không cho cúng tế bằng người nữa, nay còn bắt công chúa một cách lạ lùng như thế, chắc là mấy vị khác chăng? Xin bệ hạ viết chỉ cáo rõ cho Huê Quang thần hay, họa là người có rõ mà cứu chăng?” Vua nghe có lý bằng lòng ưng chịu, viết chỉ lên miếu cầu vái và đốt chỉ ngay. Hai vị Thiên Lý Nhãn và Thuận Phong Nhĩ, trông rõ việc mất công chúa như thế, toán quẻ biết rõ Hỏa Phiên tướng bắt, nhưng mà hai người không đủ sức đánh lại Hỏa Phiên tướng, mới tính làm sao đặng cứu công chúa cho đặng. Hai người chỉ rầu lo van vái Huê Quang ở đâu hay về mà thôi.

Nói qua Hỏa Phiên tướng là vị thần ở chỗ cũ, bị vua phá miếu, đề cất thờ Huê Quang, thì hết sức tức giận, nhưng sợ Huê Quang, không dám làm gì. Nay Huê Quang đi khỏi, thừa khi công chúa lên miếu, hóa gió bắt công chúa làm vợ mà báo cừu, sau làm cho Huê Quang phải mang tiếng. Khi Hỏa Phiên bắt công chúa về động, trông thấy rất là lịch sự, hết sức nài hoa ép liễu. Công chúa không chịu, Hỏa Phiên nói rằng: “Nếu công nương không ưng làm vợ chồng cùng ta, thì ta sẽ giết mà ăn thịt ngay, ta như vầy không xứng đáng sao?”. Công chúa nghĩ vì mình đã vào vòng lưới sắt, chi bằng giả ý, họa là nhớ ơn đức Phật Trời mình qua tai nạn này chăng! Bèn nói với Hỏa Phiên rằng: “Thiếp nay không còn trốn tránh ngõ nào cho khỏi người đặng. Nghĩ vì thiếp là người có danh giá trong thiên hạ, trước muốn có một người chồng cho đặng xứng đáng, thì cũng phải đủ lễ. Vậy xin người đợi trong đôi ngày cho thiếp được định tâm, hầu sắp sửa tiệc cho đàng hoàng mà làm lễ, rồi khi ấy mặc tình vầy duyên vợ chồng”.

Hỏa Phiên nghe công chúa nói, rất là hữu lý, nên chịu ngay lẽ ấy. Chờ đôi ngày lo tiệc sẽ hay, chứ công chúa chạy đất nào cho khỏi mà sợ. Liền giao công chúa cho bọn yêu bộ hạ giữ gìn.

Nói về hai vị thần là Thiên Lý Nhãn và Thuận Phong Nhĩ từ bữa vua đem chỉ lên cầu, hai người lo mưu thiết kế thể nào cũng chẳng đặng, chỉ ngày đêm van vái cho Huê Quang về mà thôi. Cách hai bữa sau, bỗng nhiên Huê Quang về đến miếu, hai vị thần mừng vô hạn! Bèn đem hết chuyện Hỏa Phiên tướng bắt công chúa sao sao đều đọc rõ cho Huê Quang nghe. Huê Quang nghe dứt, nổi giận lôi đình, bèn tìm tới động Hỏa Phiên tướng, đến nơi dò xem, mở thiên nhãn ra, trông thấy Công chúa đương bị yêu bắt, bèn biến hòa một con muỗi, chui vào hiện rõ Huê Quang cho công chúa thấy. Công chúa rất đỗi mừng, quì lạy khóc cầu xin Huê Quang cứu mạng cho. Huê Quang phân rõ mọi điều, quyết vào đây mà cứu công nương và giết cho được kẻ bất lương. Tức thì Huê Quang lấy chuỗi ẩn hình trao cho Công chúa rồi mở cửa đem Công chúa ra khỏi động, luồng mây bay về tới đền vua hạ xuống cho công chúa đi vào. Ôi! Lúc bấy giờ vua và hoàng hậu mừng con, biết sao mà kể cho cùng đặng. Công chúa mới đem chuyện Hỏa Phiên tướng thù vì cái miếu cũ Huê Quang chiếm, cho nên mới sanh sự ra như thế ấy. Vua nghe mỗi điều, hết sức kiên vì Thiên vương.

Còn Huê Quang lúc đưa công chúa về cung rồi, trở lại động của Hỏa Phiên, hóa ra con muỗi bay vào chỗ nhốt công chúa rồi hóa ra công chúa y hệt vậy, dùng hỏa đơn thành một trái táo để trên bàn. Vừa lúc Hỏa Phiên tướng bước đến chỗ công chúa ở. Công chúa giả chào, rồi tỏ sắc buồn. Hỏa Phiên hỏi: “Nay đã đủ hai ngay rồi, ta dọn tiệc rất đàng hoàng, vậy thì công chúa hãy đi cùng ta ra đó ăn tiệc chúc mừng, đôi ta sẽ vầy duyên cầm sắt!” Công chúa giả phân rằng: “Hiện giờ tôi vì nhớ cha mẹ quá mà ăn uống chi chẳng đặng, lại rầu sợ nỗi duyên, biết tướng quân thương tôi có trót nặng chữ tình hay không, hay là tướng quên còn gặp nhiều người tuyệt sắc theo hàng tiên gia, mà làm cho tôi nặng tình hoài cảm đó chăng?” Hỏa Phiên nghe nói rất mừng mà rằng: “Vậy thì ta xin thề”. Công chúa giả nói: “Hiện nay tôi có một trái táo, tôi mới đi dạo ngoài động hái vào, nếu tướng quân thương tôi, thì ăn trái táo đó cũng đủ rồi, cần gì phải ăn tiệc đồ của tướng quân làm ra. Chỉ trái táo ấy tuy không quí, mà chính tay của thiếp hái!”.

Hỏa Phiên tướng nghe nói, hết sức vui mừng mà rằng: “Nói thế, thì công nương đã sẵn lòng thương tôi đến đó, dễ nào trái táo tôi lại chẳng vì lòng quí báu của công nương mà không ăn hay sao”. Nói dứt lời cầm trái táo, vừa cười vừa bỏ vào miệng… Dè đâu chưa kịp nhai, táo đã chạy tuốt vào bao tử! Liền lúc ấy Huê Quang đã hiện nguyên hình nói lớn rằng: “Ơ nầy loài yêu quỉ, mi có biết ta không? Cớ sao mi dám bắt công chúa mà gieo oán ta thế nầy hử?” Dứt lời miệng niệm chú, trong bụng Hỏa Phiên tướng bừng cháy lên. Làm cho Hỏa Phiên kinh hãi, lạy dài Huê Quang xin ban ơn dung thứ cho, cho đến đổi lết bên chân mà cầu cứu thứ dung! Huê Quang thấy vậy cảm động, bèn thâu hỏa nói rằng: “Từ nay ngươi cải tà qui chánh chưa?” Hỏa Phiên tướng nói: “Tôi xin làm nô lệ hầu hạ ngài luôn”. Huê Quang bèn dắt về miếu, ba người đồng ở đó mà phò hộ dân lành, hưởng lộc cúng kiến hẵng bữa. Đây nhắc lại vị vua Thiên Điền từ bữa công chúa khỏi nạn về cung, vua cha hết lòng mừng rỡ, hội yến điện thết đãi, các quan vui vầy ca xướng.

Hồi thứ bảy
Giàu ác gặp yêu hãm hại,
Kiết Đà xuống thế hành hung

Từ hội khi Huê Quang lên thượng cung, đánh Thái tử đập bể kiến, thả hai con yêu là Kiết Chi Đà và Bá Nhãn Quỉ. Cả hai xuống thế phá hại người lành chẳng ít. Ngày kia, Kiết Đà trông thấy một nhà đại phú không con là Vĩnh Phú, vợ là Phạm thị. Thường bữa Phạm thị ra giữa trời khẩn vái cầu con Kiết Đà bèn bắt Phạm thị mà ăn thịt đi, rồi hóa hình giống in vào làm vợ của Vĩnh Phú. Vĩnh Phú nào rõ tri cơ. Trong ít tháng trường Vĩnh Phú ăn nằm với yêu Kiết Đà đã có thai, Kiết Đà cứ bảo Vĩnh Phú làm thịt heo mỗi ngày một con mà ăn, cho rằng vì có thai nên thèm như thế. Vĩnh Phú thấy vợ có chửa rất đỗi vui mừng, y lời làm thịt heo cho vợ ăn mãi. Kiết Đà nghe Vĩnh Phú nói hết sức mừng. Vì chị ta thường ăn thịt người, nay nhịn thèm, chịu sao cho nổi, nên dùng kế ăn thịt heo quay cho đỡ vậy đó thôi. Hai nữa gởi thân cho khỏi bề lưu luyến.

Nói qua Huê Quang tánh người anh hùng, không bao giờ ngồi yên một chỗ đặng. Ngày nọ kêu ba vị thần căn dặn mọi điều rằng: “Nay ta muốn đi chơi chỗ này, sang chỗ nọ cho giải muộn nơi lòng, cùng gặp ai làm phải nạn nguy hiểm cứu người làm phước. Vì ta trông thấy ở thế gian hiện giờ có nhiều yêu quái phá hại người hiền chẳng ít. Vậy thì ba ngươi ở đây mà phò hộ lê dân, nếu cãi ta phản phúc việc gì thì hỏa đơn trong bụng cháy lên, không ai cứu đặng đa nghe”. Ba thần đều vâng lệnh dạy. Huê Quang đằng vân giá vỗ đi chỗ này, sang nơi nọ mà xem qua phong cảnh thế gian. Chàng ngã thân phận mình lênh đênh buồn bã hết sức, trí nghĩ cần phải về thầy đầu thú tội lỗi, họa là thầy có thương mình mà cho học đạo chăng không? Nghĩ vậy rồi bèn về ngay cung thầy là Khuyến Thiện thiền sư. Bước vào cúi lạy dài hầu chịu tội lỗi lầm, bỏ động mà đi trót hai năm trường!! Khuyến Thiện thiền sư hỏi rằng: “Bấy lâu nay ngươi ở nơi nào, phải nói cho ta được biết thử nào?” Huê Quang bạch rõ các nông nỗi tội lỗi dẫy đầy, đến việc đánh Thái tử, xuống miền thế gian lánh nạn tại miếu của vua Thiên Điều. Khuyến Thiện toán quẻ rồi nói rằng: “Hiện nay trên thiên đình Ngọc Hoàng đã sai binh trời xuống thế gian quyết bắt nhà ngươi cho đặng. Thế thì ngươi trốn đâu cho khỏi đặng”. Huê Quang nghe thầy nói rất là lo sợ, bèn cúi đầu lạy xin thầy tế độ, lo thế nào cho khỏi tội tình. Khuyến Thiện nói: “Bây giờ chỉ có một thế trốn, là phải đầu thai đi mới đặng”. Huê Quang hỏi: “Bạch thầy, bây giờ phải đầu thai cách nào, xin thầy dạy cho!” Khuyến Thiện bày rằng: “Ngươi có phép đủ, vậy thời ngươi phải độn trong một cái bọc đỏ, đợi chừng sanh ra, xé bọc chui ra, thì khỏi điều nhơ uế. Nếu ngươi muốn đi đầu thai, gần đến giờ sanh, sẽ có ta cứu cho mới đặng”. Huê Quang hết sức đội ơn thầy cứu tử hườn sanh một lần nữa. Nói rồi bái biệt Khuyến Thiện đằng vân hạ giải. Nói qua vợ chồng Vĩnh Phú, vợ có thai đã quá ngày sanh mà chẳng thấy sanh. Nên đặt bàn hương đăng trả quả, khẩn vái Phật Trời. Vừa lúc ấy Huê Quang đằng vân đến đó. Nghe lời van vái, biết là vợ người nầy có thai, liền hóa ra cái bọc rồi sa xuống ngay bụng Kiết Đà.

Phút chút Kiết Đà nửa đêm phát đau bụng lấy làm khó chịu, bèn kêu Vĩnh Phú bày lời. Vĩnh Phú rước mụ lăng xăng kế đó. Kiết Đà đã sanh, có người báo cho Vĩnh Phú hay rằng bà sanh ra một cái bọc đỏ, mà lớn lạ lùng lắm. Vĩnh Phú nghi cho là ma quỉ đầu thai, bảo người đem liệng xuống sông cho rảnh. Kiết Đà cản lại chẳng cho, để đợi xem cho kỹ. Vì hồi mới sanh thì nhỏ, mà giây lát, cái bọc càng lớn càng to, nên nàng có ý hồ nghi. Phút chút Kiết Đà rên la lần nữa; ngờ đâu đà sanh tiếp luôn một gái, mặt mày rất tốt đẹp như con tiên, Vĩnh Phú rất mừng được một gái cưng. Liền sai gia đinh khiêng cái bọc ấy đem bỏ dưới sông cho rồi, kẻo để vật lạ lùng trong nhà rất là ghê sợ. Gia đinh khiêng liệng dưới sông, nhưng rất quái, hễ liệng xuống rồi cái bọc cũng nhảy lên bờ mãi, túng thế gia đinh phải đem về, thưa lại cho Vĩnh Phú hay. Vĩnh Phú lấy làm kinh ngạc, bảo bỏ ngoài vườn đợi tối sẽ chôn.

Nói về Khuyến Thiện thiền sư, biết là Huê Quang đã vào sanh ở nhà Vĩnh Phú rồi, liền đằng vân đến đó. Giả ra một ông hòa thượng vào nhà Vĩnh Phú. Đang lúc Vĩnh Phú mắc việc rắc rối lo sợ. Xảy thấy ông thầy thì hỏi lơ là rằng: “Hòa thượng đến nhà tôi có việc chi?” Hòa thượng nói: “Tôi muốn đến thăm ngài, vì nghe ngài là người hiền đức”. Nói chưa kịp dứt lời Vĩnh Phú rằng: “Thưa Hòa thượng, tôi vì có việc nhà, vậy để ngày mai tôi sẽ hầu chuyện mới đặng, xin lỗi ngài”. Khuyến Thiện cứ hỏi phân hoài, túng thế Vĩnh Phú phải tỏ thiệt rằng: Vợ sanh ra một cái bọc quái ấy, cho Hòa thượng nghe. Ông nghe rồi cho là nhà có phước lắm mới sanh được cái bọc ấy, hiện cái bọc có năm người con trai quí báu lắm. Vĩnh Phú nghe không tin. Hòa thượng bảo đem bọc ấy cho ông xé ra, quả nhiên ông lấy dao rọc ra có năm người con trai, mỗi người đều biết đi hết. Vĩnh Phú lấy làm lạ. Hỏi thăm Hòa thượng căn do. Hòa thượng rằng: “Mấy người con của ông là chơn tiên cốt phật, cho nên mới đẻ mà đặng như vầy, để tôi đặt tên giùm cho”. Vĩnh Phú rất vui lòng đẹp dạ lắm. Hòa thượng đặt rằng: “Đứa thứ nhất là Hiển Thông, thứ nhì Hiển Minh, thứ ba Hiển Chánh, thứ tư Hiển Chí, thứ năm Hiển Đức”. Đặt xong Hòa thượng phán rằng: “Con ông chỉ có một người thứ nhất là Hiển Thông sau ở với ông mà thôi, còn bốn đứa kia sẽ đi tu thành chánh quả hết. Mà hiện bây giờ ông nuôi bốn đứa ấy cũng không đặng đâu”. Vĩnh Phú rằng: “Nếu Hòa thượng nói thế, thì tôi phải làm sao?” Hòa thượng nói: “Có một điều là ông phải cho bốn đứa cho tôi đem về chùa mới đặng mà thôi, ông có vừa lòng không?” Vĩnh Phú đáp: “Điều đó tự như ngài thương tôi tính giùm tôi rất đội ơn. Chớ nếu tôi nuôi không đặng, trông ơn ngài bảo hộ như thế, sợ e nhọc lòng ngài”. Hòa thượng nói: “Không sao, tôi sẵn lòng làm phước, ngày sau bốn đứa sẽ đặng thành chánh quả”. Vĩnh Phú nói: “Tôi rất đội ơn ngài”. Rồi đó bốn người đều lạy tạ cha mẹ, hầu theo thầy học đạo, chỉ có một mình Hiển Thông ở lại mà thôi. Khuyến Thiện thiền sư từ giã Vĩnh Phú rồi đằng vân đem bốn người đi mất.

Hồi thứ tám
Long Thoại bắt Kiết chi Đà
Huê Quang - Quỳnh Hoa mất mẹ

Nói về Huê Quang là Hiển Thông cùng Quỳnh nương cùng lớn, tánh nết rất hùng cường. Mẹ là yêu Kiết Đà lại càng ỷ thế lộng quyền, mỗi đêm bắt người mà ăn thịt. Đêm nọ Long Thoại vương đương đi tuần trên mây, thấy thế Kiết Đà quá ác, bèn giả ra một ông hòa thượng đến nhà Vĩnh Phú, thừa lúc Vĩnh Phú không có ở nhà. Gia đinh báo cho Kiết Đà hay. Bà ta rất là khoái dạ, nếu ăn thịt được một ông hòa thượng rất quí lắm. Liền bước ra giả bộ hầu chuyện cùng hào thượng đặng có thừa cơ bắt quách. Ngờ đâu Long Thoại đã hóa nguyên hình, bắt Kiết Chi Đà rồi đằng vân bay mất. Lại còn lo cho bọn thần hạ của Huê Quang là Thiên lý Nhãn và Thuận phong Nhĩ, e đem tin cho Huê Quang biết. Long Thoại làm phép áng mắt và điếc tai hai vị thần ấy luôn, cho biệt tích.

Vừa trong lúc Long Thoại bắt mất Kiết Đà, gia đinh kinh hãi la lên. Huê Quang không có ở nhà, còn Vĩnh Phú đều đi khỏi, chỉ có một mình Quỳnh nương, hay tin mẹ mất rồi la khóc vang rần, rồi lại chạy nghêu ngao ngoài đồng mà kêu mẹ. Rủi đâu lúc này đã tới vía của Ô Long, mấy ông lang lo bắt con nít mà cúng tế thần yêu ấy. Quỳnh nương đi lạc kêu khóc ngoài đường, bị mấy ông làng bắt quách, đem về trói để ngày mai cúng tế. Rất may trong lúc ấy Huê Quang đương đằng vân trên mây, hầu xem coi binh trời hành động thế nào, bỗng nhiên trông thấy em mình bị bắt trói dưới gốc cây kia, thì lấy làm căm tức, bèn hạ xuống đến nơi kêu em mà rằng: “Em! Em! ủa sao em lại bị trói như thế này vậy em?” Quỳnh nương khóc nói: “Mẹ bị ông thầy chùa nào bắt mất rồi, mà cha cùng anh không có ở nhà, nên em nóng lòng tìm mẹ, đi lạc đường bị họ bắt trói em đây!” Huê Quang mở trói cho em, rồi phân rằng: “Bây giờ anh hóa ra một lùm mây đưa em về nhà, còn anh cần phải ở lại đây trả thù đứa bắt em cho được, anh mới vừa lòng cho” Quỳnh nương ừ. Đoạn Huê Quang hóa mây đưa em về, còn mình trở lại hiện ra Quỳnh nương đương bị trói đó.
(Xin xem tiếp tập thứ ba)

Tập thứ 3
NAM DU HUÊ QUANG

Mấy ông làng sửa soạn nhạc lễ nghinh ngang, rồi bắt đồng nữ là Quỳnh nương giả trói kéo lại, trống phách om sòm đem đến miếu Ô Long tế lễ. Khi tế xong, trói bỏ Huê Quang nằm đó, cùng nhau về hết. Huê Quang thấy việc lạ, thì cứ nằm yên xem thời sự thể nào cho biết. Quả nhiên lúc êm lặng tiếng người, bỗng nghe ngọn gió lao xao... có một con yêu, trông rất là ghê gớm, to lớn lạ lùng, chờn vờn hai tay chụp Huê Quang bẻ cổ ăn thịt. Chẳng dè Huê Quang hiện nguyên hình, đâm cho chàng ta một giáo... làm cho Ô Long cả kinh chạy. Huê Quang niệm chú bắt lại hỏi rằng: “Ngươi có chịu đầu ta không, hãy nói mau kẻo chết„. Ô Long cúi lạy xin đầu. Huê Quang nói: “Nếu ngươi biết ăn năn, thì ta cấm từ nầy, không đặng phép bắt làng tế người như vậy nữa. Và ngươi hãy bảo làng làm y cốt ta mà thờ, còn ngươi ở đây bảo hộ, xa gần làng xóm„. Ô Long vâng lời, Huê Quang cho uống một liều hỏa đơn, rồi dạy kỹ lưỡng, hễ phản tâm ắt chết. Đoạn Huê Quang đằng vân về cho Thiên lý Nhãn hỏi thăm nỗi mẹ. Cả ba bị thần đều nói: “Khi thấy Long Thoại vương bắt đem lên mây không biết đem đi ngã ngào, chúng tôi đều không rõ nữa„. Huê Quang cả giận la rầy một hồi. Ba vị thần nói: “Có lẽ Long Thoại vương bắt đem xuống địa ngục. Vậy thì ngài giả Thái Ất rồi làm chay triệu các cô hồn lên mà hỏi thăm cho rõ„. Huê Quang khen phải, bèn qua núi quang long tự, giả Thái Ất làm chay triệu các cô hồn về, té ra mấy muôn vị cô hồn về ăn no, mà hỏi ra không bị nào biết rõ Long Thoại vương đem giam cầm Kiết Chi Đà nơi nào tất cả. Huê Quang cả giận không biết liệu phương nào, đành trở về miếu Thiên vương mà bàn luận cùng ba vị thần. Ba vị thần thấy Huê Quang trở lại, đồng hỏi thăm tự sự. Huê Quang tỏ sắc buồn, tìm không được tích mẹ bị Long Thoại giam cầm ở đâu. Bàn bạc nghĩ ra, chỉ Long Thoại vương đem về động chớ không ở đâu khác, tìm thế đến nơi đọc kiếm, họa là có gặp cùng chăng?

Vì Huê Quang lộng quyền dám giả Thái Ất thiên tôn, nên nay Ngọc Hoàng đã hội hết triều nghi. Ngọc Hoàng sắc chỉ sai Tống Vô Kỵ đem binh trời xuống bắt Huê Quang tại miếu Thiên vương. Ngọc Hoàng phán rằng: “Nguyên soái khanh hãy bắt cho đặng Huê Quang về nạp cho ta, vì bất lâu nay ta thấy Huê Quang ăn năn làm lành, trừ yêu tinh quỉ quái nên ta có ý dung thưởng nó, nhưng nay nó dám giả Thái Ất thiên tôn như thế, thiệt là vô phép quá, ta không dung tha được nữa„. Tống Vô Kỵ nguyên soái lãnh chỉ y lịnh lãnh binh đồng đằng vân hạ giáng xuống nơi miếu Thiên vương mà bắt Huê Quang. Tống Vô Kỵ nghĩ thầm sức mình không đủ bắt Huê Quang cho đặng, vì Huê Quang biến hóa vô cùng. Tống nguyên soái nghĩ ra một kế là giả một người khách thường đi đến đó, rồi thừa cơ  mà bắt Huê Quang mới được cho. Nghĩ rồi bèn hóa ra một người thường nhân đi tới miếu. Còn binh kéo chờ đợi trên mây. Khi tới miếu không có Huê Quang. Hỏi thăm thổ địa, thì hiện nay Huê quang ở núi Ly lâu. Tống Vô Kỵ liền đẩy xe qua đó. Hiện nay Huê Quang ẩn trong núi ấy, ắt là khó lòng trốn cho khỏi nạn này.

Hồi thứ chín
Tông Vô Kỵ dùng mưu trí
Huê Quang đắc thắng thiên binh

Nói tiếp qua vừa lúc Huê Quang bay lên trời tìm kiếm mẹ coi phải bị Long Thoại nhốt nơi nào. Bỗng nhiên Huê Quang hay tin rần rộ nguyên soái Tống Vô Kỵ lãnh binh trời xuống thế bắt mình. Huê Quang bảo ba vị đồng theo cùng mình về núi Ly lân mà ẩn mới tiện cho. Khi Tổng Vô Kỵ tới miếu Thiên vương không có Huê Quang, nhờ Thổ địa chỉ qua núi Ly lâu có Huê Quang ở đó, Thiên Lý Nhãn đều thấy rõ hết, đem việc mà nói cho Huê Quang hay. Huê Quang định trí giả ra một người đàn bà lỡ dường, nếu Tống Vô Kỵ mà cho mình quá giang xe, thì ắt mắc kế mình vậy. Nghĩ thế bèn hóa ra người đàn bà đón đường ngồi khóc rất thảm thương. Khi ấy Tống Vô Kỵ đẩy xe tới đó, thấy một người đàn bà ngồi khóc, thì hỏi rằng: “Nhà ngươi làm gì nửa đường ngồi khóc như thế?„. Huê Quang phân rằng: “Dạ thưa đại nhân, tôi vì có chồng ở xa đây, nên nay về viếng thăm cha mẹ, đi đã mấy ngày chân đà sưng lên, nên đi nữa không nổi, trăm lạy đại nhân làm phước cho tôi quá giang xe về núi Ly lâu!„. Tống Vô Kỵ nghe qua suy nghĩ lấy làm lạ: “Núi Ly lâu nào có người ở đó, chỉ đây có một đều là Huê Quang giả hình chứ không ai. Như vậy thì may mắn lắm, để ta gạt nó lên xe, rồi ta nhiệm chú đốt nó mới tiện cho„. Bèn nói với người đàn bà ấy rằng: “Ta nghe ngươi bày bỏ, ta đồng lòng thương xót, có vậy ta cũng làm ơn cho, ngươi hãy lên xe đây ta đưa về đến đó„. Người đàn bà rất mừng, cám ơn liền bước lên xe. Tống Vô Kỵ lập tức niệm chú hóa lửa đốt. Huê Quang hiện nguyên hình cười ngất mà rằng: “Nhà ngươi chẳng rõ ta là lửa hay sao, lại đốt ta, đến đời nào ta chết mà đốt hử„. Dứt lời vùng bay xe hỏa về động mình, đóng chặt cửa lại làm cho Tống Vô Kỵ cả sợ bay theo, cứ ở ngoài la lối xỉ mạ Huê Quang. Huê Quang nổi xung đứng trên xe hỏa mà bước ra. Tống Vô Kỵ mắng rằng:“Ơ nầy Huê Quang! Nhà ngươi đã trăm phần tội lỗi, dám đánh Thái tử, nay Ngọc Hoàng sai ta bắt ngươi, sao ngươi chẳng hàng đầu, còn ăn cướp xe hỏa của ta, ngươi mau đền tội, chớ để quá lòng trời, ắt là bất tiện„. Huê Quang phân rằng: “Theo như lời nguyên soái đã kể rõ tội tôi, phận tôi đau đớn thế nào, tôi chỉ thề có lòng tôi tự xử. Song xét kỹ ra, tội ấy vì Thái tử bất công mới ra chuyển. Khi hội Quỳnh hoa Thái tử nào có công chi, lại dám giắt hoa mà uống rượu; còn tôi là thế nào?  Nguyên soái xét thử?„

-         Vì cớ nào ngươi phản nhựt cung như thế?
-         Vì Đặng Hóa có hiềm thù cùng tôi, trong lúc thí võ, cho nên lúc tôi làm bộ hạ cho y, thì y ỷ quyền hành hạ tôi mà trả thù, làm sao tôi chịu cho nổi cái điều hiếp ức?
-         Phải rồi, vì làm sao, ngươi dám về thiên cung thích khách Thái tử, đập bể kiến báu, thả yêu, tội ấy nặng nhẹ là bao?
-         Nguyên soái là phận cao dày, sao không xét kỹ, tôi về thích khách Thái tử Kim Thương, là bởi Thái tử đã lỗi trước, hại tôi phải bị đọa đày, rồi còn đem binh trời xuống thế bắt tôi, tức trí quá, buộc lòng tôi phải vậy chớ sao?
-         Ngươi nói rất là khôn ngoan lanh lợi. Vậy còn ta với ngươi thù oán gì, mà ngươi lấy hỏa xa của ta?
-         Bẩm nguyên soái, đó là nguyên soái càng nghĩ sai nữa. Và tôi cùng nguyên soái nào phải người thù chi. Song nguyên soái đem binh bắt tôi, nếu tôi cứ bó tay thì vừa lòng nguyên soái, còn thân tôi oan ức thể nào. Tôi lấy xe hỏa là tôi cứu lấy tôi chớ. Nguyên soái là người cao xa, cần gì phải hỏi tôi lẽ ấy.
Tống Vô Kỵ nghe Huê Quang nói nổi giận mà rằng: “Nói như thế thì ngươi lớn gan, dám cãi lệnh thiên đình đa há?“
-         Tôi nào có lớn gan, đó là nhỏ gan chớ. Tội ai làm, rồi ép tôi phải chịu, bằng không chịu là gan lớn. Chớ chi mà tôi tự bày ra cái tội của tôi, tức tôi phải chịu ngay liền.
-         Ta hỏi lại ngươi, hãy trả hỏa xa cho ta không?
-         Theo lẽ phải, thì tôi chớ trao dây cho ngươi trói tôi là phải. Lẽ nào tôi trả hỏa xa cho ngài đánh tôi sao?

Tống Vô Kỵ nổi giận đâm Huê Quang một giáo, Huê Quang đưa thương ra đỡ. Cả hai đại chiến vang trời. Tống Vô Kỵ liều bề đánh không lại Huê Quang, bèn hô thiên binh áp chiến. Huê Quang bèn lấy tam giác kim chuyên mà liệng đại, làm cho binh tướng lở đầu, sặc máu vỡ tan hết. Tống Vô Kỵ đành thất bại chạy về thượng giới. Huê Quang thắng trận, vào động chưa yên, vì sợ còn nhiều người xuống khuấy rối mình nữa. Còn Tống Vô Kỵ về tới vào quì bạch Ngọc Hoàng: “Huê Quang thật là làm phản, chẳng kiên vị ai, dùng tài phép giết thiên binh, xin Ngọc Để sai người xuống bắt đem về trị tội. Huê Quang lại dám cả gan ăn cướp hỏa xa, nên tôi phải bại tẩu„. Ngọc Để nghe vậy quở phạt om sòm. Các quan đồng tâu rằng: “Xin Thượng đế hãy hạ chỉ, sai Bá gia thánh mẫu và Hỏa Hà công tử, có năm trăm quạ lửa, ắt là thâu đặng Huê Quang„. Ngọc Hoàng tức thì hạ chỉ cấp kỳ.

Mẹ con Bá Gia thánh mẫu dẫn năm trăm quạ lửa xuống trung giới bắt Huê Quang. Đương lúc Huê Quang ngồi trong động, Hỏa Phiên tướng tuần du về báo rằng: “Nay có mẹ con của Bá Gia thánh mẫu đem quạ lửa xuống đánh đại vương, xin đại vương liệu lượng„. Huê Quang nghe báo, liền mở cửa động ra, trông thấy Hỏa Hà công tử thì cười rằng “Ngươi xuống đây mà bắt ta phải không? Ấy là tại ngươi, chớ trách ta, sức mi đủ gì cho ta sợ„. Hỏa Hà công tử cũng đáp lại. Rồi đó hai đàng ẩu đả với nhau. Hỏa Hà đánh không lại Huê Quang, nên dùng phép thả quạ lửa bay lên. Quạ lửa bay rồi hạ xuống áp nhau cắn Huê Quang, Huê Quang vì bị cả bầy nên thất thể phải chạy về động bế cửa! Ba vị thần hỏi thăm. Huê Quang phân rằng: “Ta bị năm trăm quạ lửa áp bu cắn nên phải thất thế. Có vậy ta tính mưu nầy, rạng ngày Hỏa Phiên tướng hãy hóa ra một cây đại thọ, đợi bầy quạ bay xuống, ta giả hình để đánh cầm chừng với nó. Còn ta lên mây dùng hỏa đơn hóa ra đậu rải xuống nhử quạ mới được cho„. Trời vừa hừng sáng, Hỏa Hà đến cửa động khiêu chiến. Huê Quang ra trận, nhử Hỏa Hà đến cây đại thọ ấy. Hỏa Hà đánh chẳng lại Huê Quang, nên vội vàng thả quạ ra. Huê Quang hiện hình giả ở đó. Còn hình thiệt bay bổng trên mây, lấy hỏa đơn hóa đậu rơi xuống đất, bầy quạ hạ xuống áp lại ăn. Ăn rồi lên cây đại thọ ấy mà đậu. Bị Hỏa Phiên tướng dùng lưới phép của Huê Quang bắt hết bầy quạ đem về động. Huê Quang cả mừng bảo bầy quạ rằng :“Nay chúng bây đã bị hột hỏa rơi vào bụng tồi. Chúng bây hãy đầu ta, bằng không thì hỏa đơn cháy trong ruột mà chết“. Bầy quạ y lời, Huê Quang truyền lệnh, bảo bầy quạ về cắn ngược chủ, là Hỏa Hà và Bá Gia thánh mẫu. Khi quạ bay về, mẹ con Bá Gia rất mừng. Chẳng dè quạ áp rượt hai mẹ con mà đá. Làm cho hai mẹ con chạy mất. Quạ bay về hầu Huê Quang. Huê Quang hết lòng khen tặng. Còn mẹ con Bá Gia Thánh Mẫu về trời tâu cùng Ngọc Hoàng rằng: “Huê Quang thật tài ba quá lẽ. Mẹ con tôi đều bị đoạt bầy quạ lửa rồi“. Ngọc Hoàng cả giận truyền đem mấy mươi vạn binh trời xuống bắt Huê Quang. Các quan đồng tâu: “Bởi Huê Quang là ngọn đèn, nay chỉ có Phật tổ trừ được mà thôi„. Ngọc Hoàng hạ  chỉ sai Thái tử qua núi Linh sơn mời Phật tổ. Giây lâu đức Thích Ca Như Lai đến chầu Ngọc Đế. Ngọc Hoàng đem hết cá điều phản ác của Huê Quang mà tổ cho Thích Ca nghe, và xin cầu Phật tổ bắt Huê Quang để trừ mối hậu hoạn. Thích Ca phán rằng: “Xin Ngọc Hoàng đừng nghe lời sàm tấu, Huê Quang hiện nay ở dưới thế gian hằng bắt được bốn, năm con yêu. Yêu ấy nó đã cải tà qui chánh. Vậy thì Đức Ngọc Hoàng vui lòng phong cho Huê Quang một chức chi xứng đáng, thì trăm việc đều yên. Chứ Huê Quang nào có phản cung Ngọc Đế đâu“. Ngọc Hoàng nghe rõ rất mừng, liền hạ chỉ sai Lý Mậu xuống phong chức cho Huê Quang. Lý Mậu xuống đến nơi, Huê Quang chào mừng. Lý Mậu trao chỉ của Ngọc Hoàng phong chức như cũ, hầu ở dưới thế gian điều độ chúng dân. Huê Quang xem chiếu mình được Phật Tổ cứu cho, Ngọc Hoàng rõ dạ, nay được chức Nguyên soái như xưa, nhưng phải ở miền trần gian coi chừng yêu quái. Huê Quang lạy tạ muôn phần. Lý Mậu về trời. Còn Huê Quang vào cho ba vị thần hay ngày nay chúng ta không còn lo sợ chi nữa. Đức Ngọc Hoàng đã ân xá tội rồi. Ba thần nhảy nhót mừng rỡ. Còn Huê Quang tỏ sắc buồn mà rằng: “Ta nay còn buồn một nỗi là Long Thoại Vương bắt mẹ ta, không rõ đem giam cầm nơi nào, ta buồn rầu hết sức. Vậy thì ta phiền ba ngươi ráng ở động coi chừng cho dân sự. Còn ta qua động Long Thoại Vương đánh đòi mẹ mới được cho„ ba thần vưng lời. Đoạn Huê Quang đằng vân qua động Long Thoại Vương.

Hồi thứ mười
Long Thoại chạy đà trối chết,
Huê Quang tìm mẹ hết lòng

Huê Quang khi vào động Long Thoại vương, hầm hầm làm dữ. Long Thoại chào hỏi, Huê Quang đòi mẹ la lối om sòm. Long Thoại phân rằng: “Tôi có bắt Kiết chi Đà là một con yêu mà thôi, chớ tôi có bắt Phạm thị mẹ của ngài bao giờ“. Huê Quang bảo trả mẹ cho ta mau, dứt lời liền đâm đại... Long Thoại vương biết mình không thể cự cho lại Huê Quang. Bèn trốn ngõ sau bay qua Thanh lương cầu cứu. Khi Long Thoại đến nơi vào bạch các chuyện cho Phổ Hiền bồ tát, cùng Văn Thù bồ tát các việc của Huê Quang tìm mẹ cố lòng làm dữ. Hai vị bảo Long Thoại rằng: “Lão sư tị nạn nơi này cũng là bất tiện. Cần nên cưỡi sư tử nầy bay cho mau qua núi Linh sơn cầu cứu cùng Phật tổ mới đặng cho„. Long Thoại Vương liền lên lưng sư tử trốn ngõ sau sang Linh sơn cầu cứu cùng Thích Ca Như Lai. Văn Thù và Phổ Hiền anh em bàn rằng: “Thế nào Huê Quang cũng tới đây, hai ta cần giả câm giả điếc, chớ nói chuyện lôi thôi cho dài chuyện, hầu Long Thọ đi cho tới Phật tổ mới xong„. Quả nhiên Huê Quang đã tới cửa, bước vào bạch cùng Văn Thù và Phổ Hiền. Hai vị cứ mới Huê Quang uống trà, và bày chuyện khác mà nói cho lâu, Huê Quang cứ hỏi gắt rằng: “Xin hai ngài chỉ giùm Long Thoại trốn ở đâu mà thôi„. Cả hai chối rằng: “Không thấy Long Thoại ở đâu hết„. Huê Quang cả giận mở thiên lý nhãn ra xem thấy rõ ràng Long Thoại mượn sư tử của hai người mà trốn qua núi Linh sơn. Huê Quang nói rằng: “Hai ngươi của giả dối với ta, hai ngươi cho mượn sư tử cho Long Thoại trốn đi kia. Nếu ta bắt không được Long Thoại, ra sẽ trở lại đây thì chớ trách„. Dứt lời Huê Quang bay theo. Văn Thù và Phổ Hiền nghe Huê Quang hăm cũng lấy làm lo ngại. Còn Long Thoại Vương bay riết qua tới Linh sơn vào cúi đầu lạy dài Thích Ca bày tỏ mọi nỗi Huê Quang tìm mẹ hành hung như thế. Thích Ca phân rằng: “Đệ tử chớ lo, hãy ẩn núp sau tòa sen của ta kia, không thể nào Huê Quang kiếm đặng“. Long Thoại cả mừng làm y như lời dạy. Kế đó Huê Quang đã tới nơi. Vào bạch cùng Phật tổ các việc vì mất mẹ nên tìm Long Thoại mà hỏi và trả mẹ mới yên cho. Thích Ca rằng: “Ta không thấy ai vào đây hết„. Huê Quang mở thiên nhãn ra xem, thấy rõ Long Thoại núp trong tòa sen Phật tổ, thì tức giận bạch cùng Phật Tổ rằng: “Muôn tâu sư phụ, nay sự phụ bênh, giấu Long Thoại trong tòa sen kia, thật tức lòng tôi lắm!„. Dứt lời liền bước lại bắt Long Thoại. Ngờ đâu Phật tổ thấy vậy niệm chú, nội chùa đều hóa ra Long Thoại hết. Làm cho Huê Quang không biết ai mà bắt; thì biết là Phật tổ bênh Long Thoại nên tức giận bèn mở con mắt giữa quan sát, biết Long Thoại thiệt ngồi sau tòa sen đó. Huê Quang nạt lớn rằng:“Long Thoại! Sao ngươi không trả mẹ ta, cứ ngồi sau tòa sen thế này?“. Thích Ca rằng: “Huê Quang, ngươi rất là vô lễ, dám tới lớn tiếng, mi ỷ thiên nhãn của mi. Vậy thì thưở kia ta cho ngươi, nay ta lấy lại, coi ngươi còn thấy nữa không?“. Dứt lời niệm chú, đưa tay ngoắt một cái đã lấy thiên nhãn của Huê Quang rồi. Lúc bấy giờ Huê Quang không thấy được Long Thoại nữa, chỉ ai cũng là Long Thoại hết. Huê Quang đòi thầy trả thiên nhãn lại cho mình. Thích Ca nạt rằng: “Ta đã cho mi, mi còn dám tới đây làm dữ, nay ta lấy lại, chừng nào mi biết ăn năn, ta sẽ cho lại mà thôi“. Huê Quang nóng nảy không còn biết lễ phép là gì, bèn lấy Tam giác kim chuyên liệng đại vô tòa sen, quyết bắt cho được Long Thoại Vương. Chẳng dè bị Thích Ca thâu phép. Tam Giác kim chuyên dính vào ngực Thích Ca. Phật Tổ quở rằng: “Huê Quang mi quá vô lễ, mau bắt cho ta„. Dứt lời Huê Quang đã đứng sựng, không còn vùng vẫy đặng. Lúc bầy giờ Huê Quang hết sức ăn năn, cầu xin Phật tổ tha tội cho, vì lòng hiểu thảo mà ra. Phật Tổ cười, nói cho Huê Quang biết rằng: “Ngươi thật cả gan, nay ngươi mới biết thầy trò mà năn nỉ. Vậy thì ta nói cho ngươi biết: Vì Kiết Chi Đà là một con yêu ăn thịt người vô số kể. Long Thoại bắt, ấy là cứu dân, sao ngươi còn dám cãi? Nếu từ nầy người không oán thù Long Thoại thì ta thả cho đi tìm mẹ, ngươi có bằng lòng không?“ Huê Quang bạch rằng: “Đệ tử xin vâng lời sư phụ dạy, song có một đều là, hai phép của con, sự phụ vui lòng cho con lại, con mới tìm mẹ con được„. Thích Ca phân rằng: “Ta có thể cho ngươi Tam giác kim lại, chứ Thiên nhãn, đợi chừng nào ngươi trở về tu, ta sẽ trả. Vậy ngươi hãy thề, chớ nên sanh sự nữa„. Huê Quang thề thốt rõ ràng. Thích Ca bèn cho phép lại, Huê Quang bái biệt thầy mà đi. Long Thoại bởi còn sợ hãi, Thích Ca dạy rằng: “Thôi từ nầy Long Thoại hãy ở đây cùng các đệ tử„. Long Thoại vâng lời, đồng ra ngồi cùng các đệ tử Phật mà học đạo. Thật may nhờ có Phật Tổ, không thì còn gì là Long Thoại Vương.

Hồi thứ mười một
Huê Quang giả làm Quan Âm,
Văn Thù đóng cửa lo mưu

Khi Huê Quang bị Phật tổ quở, bắt Long Thoại không được, lấy làm căm tức tại Văn Thù và Phổ Hiền ở núi Thành lương, bèn bay qua đó, giả làm Quan Âm đại sĩ, hầu lấy núi Thanh Lương mà trả oán. Huê Quang hiện ra Quan Âm bước vào động. Hai vị là Phổ Hiền và Văn Thù chào mừng tử tế, rót trà tiếp đãi. Bỗng thấy ngoài cửa động Quan Âm đại sĩ bước vào nữa. Làm cho Văn Thù và Phổ hiền kinh dãi, không rõ giả chân. Quan Âm thật bước vào quở mắng Huê Quang mà rằng: “Ngươi thật cả gan lớn mặt dám giả ta tới cướp núi này phải chăng?„ Quan Âm cũng nói y như vậy. Rồi đấu phép một hồi. Huê Quang đều làm theo được cả. Quan Âm đại sĩ nổi giận nói rằng: “Ta không muốn bắt ngươi mà làm gì. Vậy thì ngươi hãy cùng đi với ta lên thiên đình mà chiếu kiến, coi ai giả ai thật cho biết„. Quan Âm đạo sĩ và Huê Quang đồng đi. Chừng đi nửa đường biến mất, vì biết lên đó phải mang hại. Còn Quan Âm trở lại nói cho hai vị biết rằng: “Hai ngươi ráng coi chừng cho lắm, chớ Huê Quang vì thù oán muốn ăn cướp núi nầy đa„. Dặn rồi về Nam hải. Khi Huê Quang thấy Quan Âm đi rồi, liền đến núi Thanh lương và hăm bảo hai vị ấy phải đi, để núi cho mình ở. Hai vị đóng cửa động, không dám nói chi trái nghịch hết, vì Huê Quang dữ lắm. Hai vị bàn luận cùng nhau, cần trốn lên Nam Tào mà báo với Ngọc Hoàng, họa là trừ Huê Quang có đặng chăng, chớ Phật không hề làm gì, chỉ đuổi nó đi, rồi nó cũng lại nữa. Nghĩ thế bèn lên trốn ngả sau thẳng tuốt lên Thiên đình tố cáo. Còn Huê Quang thì trở về núi mình lo tính mưu kế. Còn khi Văn Thù bồ tát và Phổ Hiền bồ tát về đến Thiên đình tố cáo rõ ràng, nguyên soái Huê Quang cứ hành hung nơi hạ giới, đòi đoạt núi đuổi người. Ngọc Hoàng cả giận, gạn hỏi các vị, có ai dám xuống bắt Huê Quang? Các quan đều phú cho Na Tra Thái tử đi bắt Huê Quang mới được. Ngọc Hoàng chỉ phán, Na Tra lãnh mệnh, đồng khởi binh xuống núi Ly lâu, tới cửa động của Huê Quang mà khiêu chiến. Huê Quang biết cho hai vị tu kia kiện cáo mới ra nổi nầy, liền kêu ba vị thần mà dặn các việc. Huê Quang một mình bước ra. Đằng kia Độc Giác là tướng tiên phong của Na Tra trông thấy Huê Quang thì hét lớn rằng: “Bớ Huê Quang! Ngươi mau trói tay mà chịu tối, bằng nghịch mạng ắt không toàn„. Huê Quang cười rằng:“ Ngươi là một kẻ dị hình như yêu quỉ, nay xuống nạp mạng cho ta phải không?„ Dứt lời hai người xáp ẩy đả rất kịch liệt. Huê Quang lấy Tam giác kim chuyên liệng vào mặt Độc Giác, trúng nhằm cái gạc rồng của Độc Giác, phun máu đầy mặt. Độc Giác hoảng hồn chạy bay về trại, chịu tội với Na Tra. Na Tra trông thấy cả giận, liền xuất binh ra trận, đến cửa động tung hoành. Huê Quang xông ra gặp Na Tra, hỏi rằng: “Tôi hỏi qua nguyên soái, chẳng hay tôi có tội gì, mà nguyên soái phải xuống bắt tôi như vậy, xin cho tôi được biết?„. Na Tra đáp: “Lệnh Ngọc Hoàng đã bao phen tha tội ngươi, phong làm Nguyên soái ở dưới thế gian, cứu dân bốn bể, cớ sao ngươi ở dưới này ý mình tài phép, phá đầu nầy, hại đầu kia, còn cả gan ăn cướp chùa của thầy tu, làm náo động đến Ngọc Hoàng. Nên Ngọc Đế chỉ sai ta xuống bắt ngươi về hành tội. Ngươi mau bó tay cho sớm„. Huê Quang cười đáp rằng: “Tôi nào phạm những tội của Nguyên soái vừa kể đó. Ấy là hồi trước kia tôi có, chớ hiện nay Ngọc Để tha những tội của tôi rồi. Nay chỉ vì Văn Thù và Phổ Hiền là hai vị thầy tu, ngày tôi đi tìm mẹ tôi, Long Thoại chạy đến núi Thanh lương, hai vị thầy tu ấy cho Long Thoại mượn sư tử cưỡi chạy mất. Tôi tức mình mới giả Quan Âm mà báo thù. Tức quá tôi mới phá động ấy, chớ nào ăn cướp động ấy mà làm chi. Hiện tôi ở núi nầy, động này đã dư chỗ ở mà. Theo như ngài bị mất mẹ như thế, có tức giận chăng, huống lựa là tôi?„. Na Tra nghe vậy cũng là hữu lý, bèn nói với Huê Quang rằng: “Nói thế, thì bởi việc ức oan, thôi ta bảo hãy nghe lời đây, về Thiên Tào mà cáo oan cho rõ lý, ta đây cũng xin tội cho„. Huê Quang đáp rằng: “Theo lời nguyên soái phân, cũng lấy làm phải lẽ, song hiềm vì nơi Thiên Tào, tôi bị nhiều người thù oán cả trào, dẫu cho nguyên soái cho xin tội cho tôi cũng không đặng, vì họ đốc vô hại tôi chẳng dễ„. Na Tra nói: “Nếu vậy, thì ngươi không về, muốn cự chiến cùng ta chăng„. Huê Quang đáp: “Đó là tự ý nguyên soái!„. Hai người đối qua đáp lại, một hồi xáp đánh nhau trọn một ngày không phân thắng bại. Đồng rút quân về trại, hẹn ngày mai sẽ chiến nữa. Rạng ngày Na Tra dẫn binh ra, Huê Quang mở cửa động, kêu Na Tra phân rằng: “Tôi xin nguyên soái một điều, là cần nên đấu phép cho biết tài hay, chớ đánh võ hoài rất là mệt mỏi„. Na Tra rất bằng lòng. Hai người đấu phép với nhau trọn ngày cũng không ai hơn ai, đến tối thâu binh. Qua ngày thứ ba Bát Giác Xà xin Na Tra cho mình ra chiến với Huê Quang một bữa. Na Tra vì mệt mỏi nên cho ngay. Bát Giác Xà ra trận, bị Huê Quang liệng tam giác kim chuyên gãy hết ba sừng, còn có năm sừng, máu chảy đầy đàng, chạy về trại! Kế đó La Long xin đi. Na Tra cho. Vì La Long có tài hóa nước, nên muốn ra thử với hỏa. Khi La Long ra trận gặp Huê Quang, tức thì hóa ra nước mênh mông cả thấy. Huê Quang hóa ra tam muội chơn độn thủy, rồi hóa ra lửa đốt rồng; làm cho La Long bị phỏng mình chạy chết. Na Tra quở la ó dạy. Kế có Hòa hiệp Thần ra xin xuất binh. Na Tra hỏi: “Ngươi có phép chi mà xin đi?„. Hòa Hiệp thưa: “Bẩm nguyên soái, tôi có như ý nầy, có thể thâu Huê Quang đặng„, bèn cắt nghĩa cho Na Tra nghe. Na Tra vui lòng cho đi. Hòa hiệp Thần cầm binh ra trận, khiêu chiến trước động. Huê Quang mở cửa đón đánh. Hòa Hiệp nhị thần cứ đỡ mà thôi. Huê Quang thấy hai thần rất kỳ dị, bèn liệng tam giác bắt quách cho rồi. Ai ngờ Nhị thần đưa hộp như ý ra thâu tam giác của Huê Quang, làm cho Huê Quang hãi hồn. Hiện ra hình khác, lấy hỏa đơn, quạ lửa vụt lên cũng bị thâu luôn. Huê Quang trông thấy sẳng sốt... hai vị thần đưa tay ngoặt Huê Quang thâu luôn vào hộp như ý. Lúc này Huê Quang đã mê sáng, dường như ngủ, chẳng còn biết chi nữa hết. Phút chút binh tướng hô la vang động rằng: “Hòa Hiệp nhị thần đã thâu được Huê Quang rồi...„. Huê Quang ở trong hộp giật mình tỉnh giấc, biết mình đã bị bắt vào hộp rồi. Bèn nghĩ ra một kế, cần niệm chú cho hỏa đơn cháy, phá hộp! Chàng bèn nhiệm chú vừa dứt lời, giây phút hộp như ý đã cháy tan ra nước! Huê Quang ra khỏi, hỗn chiến với hai vị thần, nhị vị kinh hãi bị mất hộp báu rồi, bèn chạy tuốt về trại tố cáo cho Na Tra nghe. Na Tra lấy làm tức giận, quyết ra trận. Xảy thấy Thích Lịch bước ra cầu xin đi bắt Huê Quang. Na Tra hỏi: “Nhà ngươi có tài chi đòi đi như thế?„.

Thích Lịch thưa: “Tôi có tài làm sấm sét, nếu tôi gặp Huê Quang tôi cứ đánh y, ắt là được việc„. Huê Quang đang ngồi trong động, xảy thấy Thiên Lý Nhãn báo tin, có tướng khiêu chiến, Huê Quang ra trận gặp Thích Lịch, đôi đàng áp đánh. Thích Lịch trá bại, rồi niệm chú sấm sét áp tới đánh Huê Quang. Làm cho Huê Quang không đường đỡ đặng, phải chạy về động bế cửa! Thích Lịch đắc thắng về trại. Na Tra cả mừng ghi công cho Thích Lịch. Còn Huê Quang về động rất là căm tức! Hỏa Phiên tướng lại bày kế khác. Rạng ngày Thích Lịch khiêu chiến nữa. Huê Quang ra trận liền giả hình đứng trơ đó. Thích Lích làm sấm sét đánh hoài không ăn thua. Nào hay Huê Quang ở trên mây lấy tam giác kim chuyên liệng xuống, trúng đầu Thích Lịch máu ra dầm dề. Thích Lịch cả kinh chạy tuốt về trại. Na Tra rất buồn. Kết đó Thôn thế Quỉ bước ra xin đi. Na Tra hỏi: “Ngươi có phép chi, mà ra đó nạp mạng?„. Thôn Thế Quỉ thưa: “Tôi có phép nuốt cả trái đất„.  Na Tra cho đi liền. Thôn Thế Quỉ cả mừng ra trận. Huê Quang thấy con quỉ dị hình, sức lớn lạ lùng, đương đứng tính dùng phép mà đốt. Bỗng quỉ ấy đã há miệng, nhảy tới nuốt ngay Huê Quang vào bụng, rồi thâu binh thắng trận về trại. Huê Quang bị nuốt vào bụng, bèn lấy hỏa đơn ra niệm chú, lửa phát cháy trong bụng Quỉ. Làm cho quỉ ta cả kinh té bò la chết. Huê Quang nói lớn rằng: “Nếu ngươi muốn sống thì hả miệng cho ta nhảy ra, nếu diên trì ta đốt hết ruột gan mà chết!„. Thôn Thế Quỉ liền hả miệng cầu xin Huê Quang ra, Huê Quang ra ngoài rồi, Thôn Thế Quỉ sợ vô cùng, chạy riết về bẩm lại cho Na Tra hay. Na Tra rất buồn bã, chẳng biết làm thế nào bắt cho được Huê Quang, hầu hồi binh cho sớm, kẻo trọn tháng dư; chưa làm gì được Huê Quang cả. Đương lúc rầu lo, xảy có Tị Ô sứ giả hóa hình đệ tử của Diệu Lạc tới động; Huê Quang chào mừng. Tị Ô sứ giả dối rằng: “Thầy sai xuống mượn tam giác đặng về đi chầu Trời„. Huê Quang vô ý tưởng thiệt bèn lấy tam giác kim chuyên mà cho mượn, căn dặn rằng: “Như thầy về Trời phò hộ rồi, mau trả lại cho tôi có việc dùng„. Đồng tử y lời. Lúc nầy Thiên lý Nhãn rất hồ nghi. Quả nhiên nhìn theo thấy Tị Ô về ngay trại của Na Tra mà dâng tam giác. Na Tra rất vui mừng. Thiên Lý Nhãn thấy rõ bày tỏ cho Huê Quang hay. Huê Quang lấy làm căm tức! Còn Na Tra lấy được tam giác rồi, liền thâu binh về tâu cho Ngọc Hoàng hay. Na Tra về tới thiên đình tâu rõ các việc của Huê Quang ở thế, và dưng tam giác. Ngọc Hoàng rất vui mừng thưởng tài Tị Ô. Na Tra cầu xin phong chức cho Huê Qung mà chiêu an muôn việc. Nếu ngày kia mà Huê Quang tìm mẹ được, còn làm điều chi tái phạm sẽ cử binh gia phạt. Thượng Đế y lời, hạ chiếu sai sứ xuống trung giới trao cho Huê Quang.
(Xin xem tiếp tập thứ bốn)

Tập thứ 4
NAM DU HUÊ QUANG

Hồi thứ mười hai
Ngọc Hoàng tha tội Huê Quang,
Từ đây Huê Quang có vợ.

Khi thiên sứ đến núi Ly lâu vào động, Huê Quang tiếp thiên sứ rất là lễ phép. Thiên sứ trao chiếu chỉ cho Huê Quang xem. Huê Quang hết lòng mừng rỡ, được Ngọc Hoàng tha tội. Huê Quang cùng bàn luận với ba thần rằng: “Nay việc giặc giã đã đặng bình yên rồi, ta chỉ vì buồn bã, tìm mẹ chưa ra. Vậy thì ta phiền cùng ba vị ở động coi chừng, để cho ta tìm nơi kiếm mẹ tôi, mà ngặt vì tam giác mất rồi, làm sao tìm cho đặng mẹ!„. Thiên lý Nhãn suy nghĩ rằng: “Thưa đại vương, bây giờ có một kế này, hiện nay bên núi Phụng hoàng động của Ngọc Hườn Thánh mẫu có một cái tháp báu bằng vàng, rất thần thông huyền bí. Vậy thì Đại vương dùng mưu lấy cho đặng tháp ấy mà nấu hườn lại, ắt được tam giác như xưa„. Huê Quang nhớ lại rất mừng mà rằng: “Được, thế thì ta phải giả Thiên sứ đến mượn tháp ấy giả đem về cho Ngọc Đế, thì bà Ngọc Hườn ắt cho„. Dứt lời Huê Quang liền đi, đến núi Phụng hoàng giả thiên sứ vào động mượn tháp báu của Ngọc Hườn. Ngọc Hườn tháp trao cho thiên sứ mà căn dặn rằng: “Vì núi này yêu ma nhiều lắm. Như Thiên sứ về tâu lại Ngọc Hoàng, ngài dùng rồi mau hồi lại cho rôi, đặng tôi giữ yêu mới đặng„. Thiên sứ xin vâng lời, từ tạ lui ra. Ấy là Huê Quang đã ăn cắp được tháp, bay về động, vui mừng chi xiết. Bèn hóa lửa nấu tháp thành ra Tam giác kim chuyên, liệng lên y như báu cũ. Huê Quang đắc chí còn cái mừng nào hơn.

Nói qua Ngọc Hườn Thánh mẫu, có một người con trai là thái tử Thành Sơn, cùng một nàng là công chúa Thiết Phiến. Khi Huê Quang giả thiên sứ tới động, công chú đứng sau bình phong lấy làm nghi lắm. Chừng Thiên sứ về rồi, chạy theo ngó chừng không thấy về trời. Mới vào thưa cho mẹ hay rằng: “Thiên sứ mượn tháp sao không chiếu, ắt là yêu quái giả mượn chăng?„. Ngọc Hườn rằng: “Lẽ nào yêu quỉ dám bưng cái tháp ấy, song ta cũng hồ nghi„. Liền sai Thành Sơn ra đứng ngó. Quả không có đem về trời. Ngọc Hườn Thánh mẫu cả kinh, liền sai Thành Sơn rằng: “Con hãy qua Nam hải hỏi thăm Quan Âm đạo sĩ, họa là người chỉ giùm cho, chớ về hỏi trên Thiên tào ắt là lậu chuyện chẳng dễ„. Thanh Sơn bay qua Nam hải hỏi thăm Quan Âm, mới hay bị Huê Quang ăn cắp. Thành Sơn về cho mẹ hay sự bí mật của Huê Quang như thế. Mẹ con lấy làm buồn bã. Công chúa Thiết Phiến phân rằng: “Mẹ và anh chớ lo, để mặc tình em qua núi Ly lâu lấy lại„. Ngọc Hườn Thánh mẫu nói rằng: “Con là phận gái, có tài gì cự địch cho lại Huê Quang, hầu lấy tháp báu lại. Huê Quang tài phép vô cùng„. Công chúa tâu rằng: “Thưa mẹ, con có cây quạt này, dẫu cho Huê Quang tài phép bực nào, tôi quạt cũng phải bay mất„. Ngọc Hườn Thánh mẫu nghe con nói hữu lý, bèn y lời cho đi, mà căn dặn mọi điều: “Con cần nên giữ thế, chứ Huê Quang không vừa đâu„. Công chúa cúi lạy xin vâng lời mẹ.

Rạng ngày công chúa kéo binh qua núi Ly lâu mà khiêu chiến. Huê Quang đương ngồi trong động, toan tính cùng ba tướng, tìm đường kiếm mẹ. Xảy nghe quân ó, bèn mở cửa động ra xem. Thiên Lý Nhãn thưa rằng: “Quả thiệt một nàng gái sắc đẹp lạ lùng, là công chúa Thiết Phiến con của Ngọc Hườn qua đây báo cừu vì mất tháp„. Huê Quang ra trận. Thiên Lý Nhãn cho hay rằng: “Công chúa Thiến Phiến có một cây quạt mầu nhiệm lắm. Quạt người bay bổng mấy rừng mây xanh, nếu rớt xuống thì chết ngay. Vậy thì Đại vương hãy coi chừng trước„. Huê Quang nghe vậy cũng lấy làm lo ngại. Đứng trước động trông ra, thấy một nàng gái nhan sắc tuyệt vời, biết là công chúa! Công chúa kêu Huê Quang mà mắng rằng: “ Ớ này Huê Quang! Ngươi mau trả tháp lại cho mẹ ta, bằng cãi lời ắt khó!„. Huê Quang rằng: “Thiệt thì tôi đã nấu tháp thành ra Tam giác kim chuyên rồi, còn gì mà đòi hỏi„. Công chúa cả giận mắng rằng: “Ngươi hãy trả Tam giác cho ta„.

Huê Quang nói: “ Đế một ít lâu rôi dùng tìm mẹ xong, sẽ trả cho„.

Công chúa nói: “Ngươi chớ gạt ta, nếu không trả, ta bắt ngươi bây giờ„. Huê Quang nhìn công chúa khen thầm trong bụng rằng: “Thật thưở giờ ta thường biết hàng ngàn tiên nữ, mà không có người nào nhan sắc tuyệt với như nàng này„. Chàng màng suy nghĩ, công chúa hươ đao chém tới. Huê Quang lẹ tay đưa thương ra đỡ. Cả hai đánh nhau có hơn vài mươi hiệp. Công chúa tá bại, Huê Quang đuổi theo. Chẳng dè công chúa lấy quạt sắt ra quạt một cái, đưa Huê Quang bay bổng trên không, hết hồn... công chúa quạt luôn ba cái, làm cho Huê Quang bay quá xa, không biết đến nơi nào mà kể. Song nhờ Huê Quang biết đằng vân, nên không rớt xuống đất đặng. Làm cho Huê Quang lúc bấy giờ ngơ ngẩn lấy làm lạ, cây quạt rất báu vô ngần vậy. Huê Quang sa xuống đất thấy sứ này đều lạ, non núi bụi bờ mù mịt. Huê Quang lấy làm buồn bã. Bỗng nghe có tiếng chuông trong núi. Huê Quang có dạ mừng thầm, lần vào đó hỏi thăm cùng kiếm cơm đỡ đói. Nghĩ rồi lắng tai nghe theo tiếng chuông mà đi. Đến nơi trông vào thấy một cái động của thầy tu. Đây là động của Phong Độc ở xứ Bắc cực. Khi Huê Quang bước vào, thầy tu bước ra tiếp rước rất là tử tế, mời ngồi xong xả, bèn hỏi rằng: “Chẳng hay người ở nơi nào, tới tôi có việc chi xin cho tôi biết„. Huê Quang bèn thuật rõ công việc mình cho Phong Độc nghe mà rằng: “Tôi tên là Huê Quang làm Nguyên soái trong cõi Trời, trị yêu tinh mà độ tuế. Nay vì mẹ của tôi bị Long Thoại bắt giấu mất, tôi nóng lòng đi kiếm, mà kiếm chưa ra. Rủi đâu gặp nhiều điều rắc rối hoài. Mới đây rồi vì lấy huỳnh kim tháp của Ngọc Hườn, cho nên công chúa dùng quạt báu, quạt tôi bay tới đây, cúi xin ngài cho tôi dùng một bữa cơm đỡ dạ„. Lão thầy nghe dứt chào rằng: “Tưởng ai kia, chứ Nguyên soái thì tôi sẵn lòng chờ đợi đây. Vậy thì nguyên soái dùng cùng tôi ít hột cơm khô„. Huê Quang trông thấy mấy hột cơm thì phát buồn, sức mình ăn biết mấy ngàn hột cho no. Nhưng đói quá nên ăn cho đỡ dạ. Nào hay ăn mới bốn hột đã no đầy cả bụng, chàng lơ láo. Thầy tu lại mời ăn. Huê Quang cáo thôi. Ăn xong, lão thầy nhắm Huê Quang rồi cười rằng: “Tội nghiệp Nguyên soái thì thôi, bị vợ quạt bay đà xa quá, mới tới lão đây„. Huê Quang nghe lão nói lạ, hỏi rằng: “Ngài nói điều chi tôi không rõ?„. Lão thầy nói rằng: “Thì ngài bị vợ ngài quạt„. Huê Quang đón hỏi: “Vợ tôi là ai mà thầy nói lạ thế?„ Lão đáp: “Thì công chúa Thiết Phiến chớ ai„. Huê Quang ngạc nhiên mà rằng: “Thầy nói lãng rồi đa. Công chúa với tôi là người thù, thầy đừng gọi vậy không nên„. Lão thầy cười rằng: “Số là nguyên soái chưa rõ, chứ công chúa có duyên nợ với Nguyên soái, số ở nơi tiền định rồi, lão đã biết rõ mấy kiếp. Vậy thì lão sẵn lòng cho Nguyên soái một hườn thuốc này. Nguyên soái về ngậm vào miệng, dẫu công chúa quạt mấy trăm cái cũng là vô hại. Rồi đó mới thành việc vợ chồng với nhau„. Huê Quang nghe nói rất mừng, lãnh thuốc, tạ ơn lão thầy chùa, bay về động cũ. Ba vị thần xúm nhau mừng rỡ. Huê Quang thuật chuyện gặp thầy tu cho thuốc lại bày chuyện lương duyên như thế. Huê Quang nói: “Thôi để ta ra trận thử xem„. Nói rồi mở cửa động, đến trại công chúa mà nài đánh. Công chúa phi bạch mã ra, thật là cực đẹp, kêu Huê Quang mà nói rằng: “Nhà ngươi bị ta quạt đà bay mất, ỷ mình có phép đằng vân, nên nay về đó; muốn ta quạt cho ít cái nữa hay sao, mà tới đó„. Huê Quang cười rằng: “Nào công chúa có quạt tôi bay đâu, ấy là tôi ngủ quên trong động chứ„. Công chúa nói: “Ngươi nói dối, giỏi thì ta quạt bây giờ„. Huê Quang cam đoan rằng: “Công chúa làm tờ với tôi đi, nếu công chúa quạt tôi bay, thì tôi theo hầu hạ, bằng quạt không được, công chúa phải làm vợ tôi, có chịu không?„. Công chúa vì thấy hôm qua quạt Huê Quang bay, nay chịu liền, song hứa lời là chắc, chứ không chịu làm giấy tờ chi hết. Đoạn Huê Quang đứng sững cho quạt! Công chúa lấy quạt, quạt một cái! Huê Quang đứng trơ trơ... Công chúa hết hồn, bèn quạt luôn mấy cái nữa cũng như không! Huê Quang la lớn rằng: “Rán quạt cho mát giùm tôi, kẻo nực quá!„. Công chúa thấy quạt mình không linh, thì quất ngựa giục chạy, Huê Quang đón lại cười rằng: “Công chúa là người có giá trị, có lẽ nào quên lời hứa hay sao?„ Công chúa thèn thùa, cúi mặt đành theo Huê Quang vào động...

Hồi thứ mười ba
Duyên nợ thật là xứng đáng
Hiếu mẹ quyết tìm cho gặp

Khi Huê Quang cùng công chúa vào động, ba vị thần vui mừng chi xiết kể, trà rượu bày tiệc bộn bề, năm người đồng ngồi ăn uống, lời qua tiếng lại rất là cao thượng. Công chúa thấy tài sắc Huê Quang, nàng rất đẹp lòng. Còn Huê Quang trông ra nhan sắc của công chúa thật là qúi báu. Rạng ngày Huê Quang cùng công chúa vợ chồng đồng sang qua núi Phụng hoàng lạy xin tội cùng Ngọc Hườn Thánh mẫu. Ngọc Hườn rất đẹp dạ. Vì Huê Quang là tướng trời, tài phép gồm đủ. Thế thì Huê Quang đặng vợ quí, có lẽ từ này yên tâm cùng vợ. Nhưng mà không, ngày nọ phút chút càng ngồi nhớ mẹ, châu lệ đượm đà! Công chúa thấy vậy hỏi rằng: “Thiếp dám thưa phò mã, chẳng rõ phò mã có điều chi ẩn lấp dạ vàng, làm cho phò mã phải rơi nước mắt như thế, cúi xin phò mã vui lòng cho thiếp biết, dầu cay đắng mặn nồng thiếp cũng cùng chung chịu mới phải cho!„. Huê Quang nghe công chúa hỏi rất cảm tình, bèn đem các việc mẹ mình bị bắt, mà thuật rõ đầu đuôi cha nàng nghe, và buộc lòng vì hiếu, chắc phải phân cách chữ tình từ đây, hầu đi tìm mẹ cho thỏa lòng đau đớn bấy lâu!. Công chúa nghe rõ lại càng xúc cảm khóc ròng, bảo chàng phải vì chữ hiếu cho vẹn đạo làm con, còn chữ tình có muộn chi mà phải bận lòng quân tử. Vợ chồng than vãn với nhau xong. Rạng ngày Huê Quang ngao du, bỗng thấy bên đường có một bà già ngồi kóc lấy làm thê thảm. Huê Quang đáp xuống gạn hỏi mọi điều. Bà già phân rằng, con bà bị yêu ma bắt mất, nên bà khóc như thế. Huê Quang bảo bà chỉ chỗ con yêu ở. Bà nói rằng:“Kìa trong núi nầy có một vị đạo sĩ tên là Lạc Thạch ở đó, hễ ai đi đến đây phải trả tiền, bằng không thì lăn đá nát thây„. Huê Quang móc tiền cho bà. Rồi lần vào động xem qua cho rõ thiệt hư. Vừa bước vô thầy một vị đạo sĩ liền cúi đầu chào! Đạo sĩ lật đật mời ngồi trà nước. Đạo sĩ hỏi: “Chẳng hay quý khách là người ở đâu, vui lòng cho tôi biết quí danh?„ Huê Quang đáp: “Tôi là con trai của Vĩnh Phú ở Huy Châu, nay nghe núi này đẹp đẽ nên tới đây ngoạn cảnh đó ngài!„. Đạo sĩ nghe nói con nhà giàu, thì trong lòng mừng lắm, bèn sai người dọn rượu ra đãi! Huê Quang uống và chén giả say, lấy cục vàng ra cho đạo sĩ thấy. Cục vàng ấy là Tam giác kim chuyên. Đạo sĩ trông thấy quá ư khoái chí, bèn nói với Huê Quang rằng: “Công tử đến đây vậy thì công tử tính cúng vật chi nhiều ít cho tôi lập chùa chiền mà thờ Phật đó công tử?„ Huê Quang đáp: “Cha chả rủi quá, tôi đi đường xa đến đây cũng gần hết tiền, còn đủ sở phí đi về mà thôi. Vậy thì để kỳ sau tôi lên sẽ cùng, chẳng muộn gì, việc Trời Phật miễn là mình có lòng vọng tưởng cũng đủ rồi„. Đạo sĩ cười, nói nghe phờ ơ rằng: “Công tử không có lòng tưởng, chứ nếu công tử là người giầu có, tiếc chi tiền bạc. Kia tôi thấy công tử có một cục vàng đem theo đó. Công tử có lòng tốt, cúng ngay vật ấy, thì quí báu biết dường nào a công tử?„. Huê Quang cười rằng: “Cục vàng của tôi đây, là vật vô giá, bạn yêu của tôi mà làm sao tôi cúng cho đạng?„ Đạo sĩ ta trổ lòng tham quá độ bèn tính trong bụng: cần nên đoạt phứt cho rồi, chớ nó đã đem vào miệng cọp, dại gì không lấy để nói lâu. Nghĩ rồi nó lớn rằng: “Nếu công tử không bằng lòng cùng, thì tôi cũng phải lấy ngay, để dành lên cốt Phật„. Huê Quang nói: “Nói thế thì ngươi muốn ăn cướp của ta sao?„. Đạo sĩ chẳng nói nữa, bước lại nắm Huê quang hầu giựt! Chẳng dè Huê Quang sức mạnh vô cùng, xô đạo sĩ té bó mà chạy ra... Đạo sĩ hóa đá bay lên muôn số, rớt trên đầu Huê Quang. Huê Quang hiện hình giả mà đỡ, còn hình thật thì ẩn trong, nổi lửa đốt chùa, lửa cháy rần rần. Kế đó có hai người con gái ở trong chạy ra la ó! Huê Quang gạn hỏi mới hay là hai người bị yêu bắt nhốt đằng sau, để làm vợ. Hai người cầu lạy xin Huê Quang cứu cho. Huê Quang bèn hóa hai đám mây, mà đưa hai người về xứ. Hai nàng xin hỏi danh tánh, hầu đền ơn cứu mạng. Huê Quang bày tỏ danh tánh. Còn Lạc Thạch tưởng đâu là Huê Quang thật, cứ liệng đá như mưa. Ai ngờ trong chùa phát cháy rần rần, làm cho Lạc Thạch thất vía trở vào thì chùa đã ra tro. Còn hai vợ đã đi đâu mất. Lạc Thạch nhiến răng căm giận kẻ hại mình, mới rõ biết là Huê Quang, càng thù vô hạn, nguyện ngày nào trả đặng mới an.

Hồi thứ mười bốn
Huê Quang lại được miếu thờ,
Lạc Thạch kiếm thế báo oán.

Nhắc lại hai người vợ của Lạc Thạch, nhờ có Huê Quang hóa mây đưa về xứ. Ôi! Về đến nơi, cha mẹ vô cùng mừng rỡ. Hỏi con duyên cớ bởi làm sao, mà đi biệt mất như thế? Huỳnh Bá Kiều bèn đọc hết nỗi bị yêu bắt cho cha mẹ nghe và nhờ Huê Quang Thiên vương cứu mạng, nên cầu xin cha mẹ lên cốt Huê Quang mà thờ, hầu trả chút ơn sâu. Cha mẹ rất vừa lòng, lập miếu mà thờ.

Còn Lạc Thạch khi bị Huê Quang đốt động rồi thì thù oán vô hồi, nhưng không dám làm gì Huê Quang hết. Ngày nọ tuốt qua nhà vợ là Huỳnh Bá Kiều xem thử có trốn về chăng. Quả nhiên gặp qua Bá Kiều bên nhà, mà lại có lập miếu thờ Huê Quang rất là long trọng. Lạc Thạch định mưu giả ra Huê Quang thừa đêm nọ vào phòng, ép liễu nài hoa cùng Bá Kiếu, ắt sao Huê Quang cũng mang tiếng xấu. Nghĩ vậy làm y theo kế tính. Đêm kia vừa lúa canh khuya, Bá Kiều còn thức trong phòng, xảy có tiếng kêu bảo mở cửa. Bá Kiều mở cửa, Huê Quang giả bước vào, miệng cười duyên, liếc mắt nhìn Bá Kiều rồi gật đầu. Bá Kiều quì lạy nói: “Chẳng hay đại nhân có việc chi đến phòng canh vắng!„ Huê Quang rằng: “Từ hôm ta cứu nàng tới nay, cớ sao trong lòng ta ao ước, làm sao cùng chung gối với nàng, dạ vàng mới phí cho; nên nay ta tới đây bảo nàng hãy vầy cuộc gió trăng cùng ta, rất là đáng mặt!„. Bá Kiều thưa rằng: “Ngài là bực cao thượng, còn tôi phận thấp hèn, có lẽ nào  ngài dạy như vậy„. Lạc Thạch nói: “Không cần thấp hèn, hay là cao sang chi hết, miễn lòng thương là đủ. Vậy nàng có vừa lòng không, bằng cãi ta thì chớ trách„. Bá Kiều nghe càng sợ hãi, êm lòng chịu ngay. Lạc Thạch mặc tình trăng gió, trò chuyện suốt đêm. Trời vừa hừng sáng, Lạc Thạch căn dặn Bá Kiều, mai sẽ đến nữa; rồi đi mất mà ẩn hình. Rạng ngày, ch mẹ của Bá Kiều lấy làm hồ nghi vì đêm trong phòng con có tiếng to nhỏ. Bèn kêu Bá Kiều gạn hỏi, Bá Kiều phải khai ngay những điều của Huê Quang buộc gió trăng. Cha mẹ của Bá Kiều càng nghe càng giận, truyền đốt miếu cho rồi, thờ chi người vô lễ, đã là thần là thánh, ai mà dê như thế ấy. Bà mẹ Bá Kiều là người có trí độ xa nói rằng: “Có lẽ đâu Huê Quang lại đi làm điều tà vạy ấy, ắt có con yêu nào đó nữa chăng? Vậy nên đến miếu Huê Quang mà cầu cứu thử coi, chừng nào quả vậy sẽ hay chẳng muộn„. Ai nghe cũng cho như thế là phải. Cha mẹ Bá Kiều y lời, đến miếu Huê Quang khẩn vái. Đương lúc Huê Quang ở động, xảy Thuận Phong Nhĩ mách bảo cùng Huê Quang các điều như thế. Huê Quang liền bay sang qua đó, đứng sựng trên mây, kêu ông bà hỏi rằng: “Ông bà vái ta điều chi đó?„. Ông bà đều thuật rõ chuyện lạ kỳ như thế ấy. Huê Quang hạ xuống đi ngay vào miếu, kêu Bá Kiều hỏi rõ mọi việc. Rồi dặn Bá Kiều rằng: “Vậy thì đêm nay ngươi hãy dời nơi khác mà nghỉ, để phòng đó cho ta, vào hóa giả hình dung hầu bắt con yêu ấy cho mà coi„. Dứt lời biến mất. Tối lại Bá Kiều lên ẩn nằm chung với cha mẹ. Còn bên phòng bỏ trống, thử đêm nay động tịnh thế nào! Trời đã tối, Huê Quang đã ẩn hình vào phòng Bá Kiều, giả ra hình Bá Kiều nằm trên giường. Lạc Thạch vì lời hò hẹn, chàng ta giả ra hình Huê Quang mà đi vô như bữa trước. Vừa vào miệng cười bước lên giường chưa kịp nằm, bị Huê Quang nắm óc, hiện hình thiệt nói lớn rằng: “Loài súc vật mi khiến chết, dám giả hình ta!„ Liền kêu nội nhà thắp đèn đem vô, trông thấy Huê Quang đương nắm một con rắn rất lớn. Làm cho ai nấy rùng mình kinh sợ, thối lui. Huê Quang kêu rằng: “Ai nấy chớ sợ, ấy lấy là yêu nó hiện hình nguyên cốt, để ta đập chết, đừng sợ„. Huê Quang móc tam giác ra, vừa muốn đập xuống. Mãng xà la lớn rằng: “Tôi xin đại vương tha tội tôi một lần, ơn bằng non thái„. Huê Quang ngừng tay hỏi: “Ngươi chịu đầu ta không?„ Lạc Thạch nói: “Tôi xin đầu làm bộ hạ ngài tới mãn kiếp!„. Huê Quang bảo: “Vậy thì ngươi hãy hiện hình người đi, hầu xưng tên cho ta biết?„. Lạc Thạch vưng lời, hiện ra rõ là đạo sĩ ở núi hôm nọ, bị Huê Quang đốt động. Huê Quang cười rằng: “Sao đạo sĩ cả gan đến thế, dám giả hình ta mà làm điều nhơ nhuốc?„. Lạc Thạch tỏ hết nỗi lòng thù oán mới sanh kế báo thù, rồi nói: “Vậy trăm lạy Đại vương xá tội tiểu nhơn!„ Huê Quang nói: “Thôi ta cũng dung cho, nếu muốn sống, thì hóa nguyên cốt con rắn, quấn trên đều cây thương của ta, thì ta mới có thể tha đặng, chớ để ngươi ra ngoài phá thiên hạ nữa„. Bạch Xà đành làm y như lời dạy. Huê Quang liền từ tạ ông bà mà đi. Ông bà và Bá Kiều lạy tạ đưa đi.

Huê Quang đằng vân về núi Ly lâu, các tướng đều mừng rỡ, trông thấy cây thương có con bạch xà đều hỏi? Huê Quang tỏ bày xong mà rằng: “Vậy các ngươi ở nhà xem xét việc thế gian, còn ta cần đi tìm mẹ„. Dứt lời bay qua núi Phụng hoàng vào thăm mẹ vợ và vợ. Công chúa rất mừng hỏi thăm các việc tìm mẹ thể nào? Huê Quang rất buồn tìm chưa được gặp! Công chúa thưa rằng: “Nếu phò mã muốn biết mẹ sống thác thể nào, trước phải đến Đông Nhạc đại đế mà hỏi thăm mới rõ được, vì Đông Nhạc là nơi xem xét về việc chết sống„. Huê Quang cả mừng, rạng ngày đi ngay qua đó. Khi Huê Quang đến cửa động Đông Nhạc, có người giữ cửa gạn hỏi rằng: “Ngươi ở đâu, đến có việc gì?„. Huê Quang rằng: “Ta là Nguyên soái Huê Quang muốn vào ra mắt thánh đế, vậy ngươi mau mở cửa„. Kẻ gác cửa nghe nói tên, ai cũng rùng mình, không dám mở. Huê Quang hầm hầm muốn liệng Tam giác cho bể sọ. Cả thảy vào báo cho Đông Nhạc hay, Đông Nhạc lấy làm lo sợ; bàn bạc cùng các quan, ai cũng tâu mở cửa, coi Huê Quang đi có việc gì, chớ đóng cửa ắt là y phá hại. Đông Nhạc truyển mở cửa cho Huê Quang vào. Đông Nhạc và các quan đồng ra tiếp rước. Huê Quang nói: “Nguyên mẹ tôi là Phạm thị hiệu Kiết Chi Đà không rõ còn sống hay chết rồi, xin Thánh Đế cho tôi được biết?„. Tra bộ trong hồi lâu, Thánh Đế nói: “Kiết Chi Đà không có trong bộ tử, ắt là còn sống, chỉ có Phạm thị thì có vào bộ tử rồi„. Huê Quang ngạc nhiên mà rằng: “Ủa! Kiết Chi Đà và Phạm thị chỉ là mẹ ta có một người, sao nói lạ như vậy?„. Thánh Đế nói: “Quả thiệt hai người, người còn, người mất chứ„. Huê Quang làm hung cứ cãi một người mà thôi. Thánh Đế thấy Huê Quang dữ tợn, nên nói êm rằng: “Tôi phiền cùng Nguyên soái, vì tôi đây chỉ biên tên mà thôi. Vậy Nguyên soái hãy đi thẳng xuống âm cung, mới rõ trắng đen minh bạch đặng, vì nơi đó có đủ hình thức„. Huê Quang liền từ tạ mà đi ngay xuống âm phủ. Làm cho ai nấy hãy còn hồi hộp, sợ Huê Quang gây gổ mang tai họa!

Khi Huê Quang đi tới đó, Độ phu hỏi: “Ngươi ở đâu đi một mình không ai dắt dẫn, mà dám đi như thế?„.

Huê Quang trợn mắt mà rằng: “Ta là Huê Quang Nguyên soái, ta xuống đây tìm mẹ, ta cần gì ai dắt; ngươi phải chèo cho mau, lâu lắc, ta đạp xuống sông chết hụt bây giờ„. Độ phu nghe nói tới tên Huê Quang đều kinh hồn, sợ hãi. Huê Quang thấy độ phu muốn buông chèo; thì nổi giận hét lên một tiếng độ phú té xỉu. Huê Quang qua khỏi sông rồi, đi ngay vào đền Diêm vương. Quỉ thần về báo, Diêm chúa hãi hồn, sợ Huê Quang náo địa ngục, đều đóng cửa luận bàn. Huê Quang kêu cửa càng lớn tiếng. Diêm chúa túng thế phải mở cửa nghênh tiếp rất là trọng thể. Vào trong Huê Quang cầu xin hỏi mẹ là Phạm thị - Kiết Chi Đà sống thác thế nào? Diêm vương xem sổ bộ rồi nói rằng: “Kiết Chi Đà thì không có xuống đây, chỉ có Phạm thị thì xuống đây rất lâu rồi đó ngài„. Huê Quang tức giận vỗ bàn nói: “Nào có phải hai người, chỉ vì có một mẹ ta mà thôi„. Diêm chúa sảng sốt rằng: “Thật vậy đó ngài, nếu ngài không tin, tôi bảo quỉ dắt Phạm thị ra đây cho ngài nhìn nhận„. Huê Quang nghe vậy hối mau.  Quỉ dẫn Phạm thị ra. Huê Quang nhìn không phải mẹ, nạt rằng: “Người nầy nào phải mẹ ta là Kiết Chi Đà đâu!„. Phạm thị khóc nói: “Tôi là vợ của Vĩnh Phú ở dương gian, tên là Phạm thị, vì vợ chồng tôi không con, hằng đêm tối ra vườn cầu con, xảy bị Kiết Chi Đà bắt tôi mà ăn thịt, lại thay hình đổi xác tôi, mà làm vợ Vĩnh Phú. Thật là khúc oan đó người!„. Huê Quang nghe rõ động lòng thương xót vô hạn! Nói rằng: “Vậy thì bà cũng là mẹ tôi„. Bèn nói với Diêm Vương rằng: “Vậy tôi xin cùng Diêm chúa xá tội cho mẹ tôi, mau cho đi đầu thai, khỏi đường lao lý„. Diêm vương y lời, cho Phạm thị đi đầu thai vào nơi sang trọng. Còn Huê Quang từ giã Diêm vương trở về trần thế. Làm cho Diêm chúa đều mừng!

Hồi thứ mười lăm
Giận Đông Nhạc, Huê Quang toan đốt điện,
Nhớ mẹ già, con hiếu xuống Phong đô.

 Huê Quang trở lại tới gần đền Đông Nhạc, còn nghĩ giận thầm, cũng vì Đông Nhạc lôi thôi, mà ta đánh mang tiếng náo địa phủ. Vậy thì thừa dịp ta đốt cung cho rảnh mà rửa hờn. Nói rồi bén hóa ra lửa đốt cung. Nhưng đốt hoài không cháy. Huê Quang lấy làm lạ dòm lên, thấy con rắn hai đầu nằm trên nóc cứ phun nước mãi. Huê Quang tức giận vừa muốn lấy Tam giác mà liệng. Phút thấy trong động hai vị thần đi ra kêu Huê Quang nói rằng: “Thật ngươi rất vô phép, cớ sao dám đốt động của chúng ta? Nếu ngươi đi mau thì khá, bằng cãi, chúng ta sẽ khóc một hồi, bắt ngươi đem về nạp Thượng Đế phân xử„. Huê Quang cười rằng: “Hai ngươi hãy khóc cho ta xem đi!„. Hai vị thần bèn khóc lớn lên!! Huê Quang liền bị cứng cả cái mình mà chết! Hai vị thần bèn lấy hòm giấy, đem xác Huê Quang mà liệm vào, đồng khiêng lên Thượng Đế!... Nói qua Khuyến Thiện thiền sư, hay tin Huê Quang bị nạn, liền đằng vân đến đón hai vị thần kia mà hỏi rằng: “Hai người làm gì khiêng vật chi lạ kỳ như thế?„. Hai vị thần nói: “Đây là khiêng xác Huê Quang đem về nạp Thượng Đế, nên chúng tôi khóc nó chết„. Khuyến Thiện cười rằng: “Hai ngươi làm việc hại đó. Vì Huê Quang đã được thượng Đế xá tội rồi lại phong cho làm Nguyên soái trấn ở thế gian, nay hai ngươi cả gan mà bắt chết như thế nầy, chắc sao về tới Ngọc Đế sẽ bị tội chẳng vừa„. Hai vị thần nghe qua sảng sốt, cầu xin cùng Khuyến Thiện tính thế nào cho Huê Quang đặng sống lại. Khuyến Thiện nói: “Vậy thì hai người đốt hòm cháy, ắt Huê Quang sống dậy„. Hai vị làm y theo, Huê Quang sống dạy, móc cục Tam giác liềng hai vị thần lở đầu chạy mất.

Huê Quang nhìn biết, đây gần động thầy mình chắc sao cũng nhờ thầy cứu mạng, bèn đi thẳng vào lạy tạ tôn sư, Khuyến Thiện nói rằng: “Đệ tử thật rắc rối lắm, đi tìm mẹ sao không hỏi thăm ai là người biết mà chỉ cho, đi xuống địa ngục làm gì cho mang họa„. Huê Quang bạch cùng thầy cầu xin chỉ giùm mẹ. Khuyến Thiện nói rằng: “Hiện nay Kiết Chi Đà bị nhốt tại Phong đô hành hạ, vì Chi Đà ăn thịt người rất nhiều, nên giam nơi ngục ấy. Đệ tử muốn tìm, thì lo mưu lấy„. Huê Quang khóc mẹ, rồi từ giã thầy, về thăm vợ hầu bàn luận việc qua Phong Đô.

Khi Huê Quang về tới, vợ chồng mừng rỡ. Huê Quang bày tỏ cho vợ nghe rằng: “Hiện nay mẹ bị giam nơi Phong Đô. Vậy thì cần giả làm Thiên sứ qua đó dắt mẹ về mới tiện cho„. Nghĩ rồi giã từ vợ mà đi. Qua đến nơi vào cung dối rằng: “Thiên tào sai đi giải yêu về trời„. Vua Phong Đô biết là giả nên vừa lấy kiếng ra mà rọi sứ. Huê Quang sảng sốt bay lên nóc chùa rình nghe thử. Nghe các quan bàn luận rằng: “Thường giải yêu thì chỉ có một mình Thái Ất thiên tôn mà thôi„. Huê Quang nghe vậy về cung bàn luận cùng vợ: “Ta phải giả ra Thái Ất mới tiện cho„. Rạng ngày giả Thái Ất qua đó, vua Phong đô hồ nghi lấy kiến rọi nữa. Huê Quang lấy làm tức giận, vì tại sao bị cứ tình nghi hoài, tìm mẹ không được, rất nóng lòng. Huê Quang rình nghe rằng: “Thường Thái Ất đi thì có người hầu hạ và pháp bối rất là tề chỉnh„. Chàng bay về than khóc với vợ, chẳng biết mưu chi tìm mẹ cho đặng bây giờ! Công chúa nghe nói hứa rằng: “Tôi có thể lo cho Phò mã đủ người hầu hạ và phép bối giống như lời của Phò mã nói đó. Vì tôi có một đứa em gái hiện đương hầu hạ Thái Ất thiên tôn là Ngọc Nữ„. Huê Quang mừng rỡ vô hồi bảo vợ hãy lo cho kịp. Công chúa bèn đi lên động Thái Ất mà tỏ thiệt cho em mình biết việc như vậy hầu sở cậy giúp giùm. Ngọc Nữ liền hạ về núi bàn tính lo cùng anh rể. Hơn mười ngày mới lo xong các việc. Rạng ngày Huê Quang lên ngồi trên xe, hóa ra Thái Ất thiên tôn, còn mười người hầu hạ, xem rất là oai nghi đẹp đẽ. Lần qua cho tới Phong Đô có quân báo cho vua hay rằng: Có Thái Ất thiên tòa tới, vua và hàng các quan đồng ra tiếp rước rất long trọng, vì vua nhìn quả Thái Ất có đủ người hầu hạ, chẳng phải như kẻ giả dối khi trước. Thái Ất giả là Huê Quang rất là tề chỉnh nghiêm trang phán rằng: “Vậy ta phiền mở của động dắt yêu ra cho ta lựa người nào tội nhiều giải về cho Thượng Đế hành phạt„. Vua Phong Đô y lệnh, mở cửa động... Ôi! Nghe tha thiết thẳm những tiếng cấu cứu Thái Ất! Huê Quang giả bảo bắt Kiết Chi Đà ra cho mau. Quỉ dẫn ra trao cho Thái Ất, tức thì khiến bộ hại dẫn đi cho mau. Vua Phong Đô lấy làm lạ, cớ nào Thái Ất xuống đây chỉ dắt có một mình Kiết Chi Đà... Vừa lúc Thái ất giả dần đi, sau các quan đem kiến rọi theo... Thấy rõ là Huê Quang, chớ không phải Thái Ất thật. Vua tôi sẳng sốt, liền hối binh rượt theo, nhưng nghĩ lại rất khó lòng mà đánh cho lại Huê Quang, đành về Trời mà báo cho xong. Còn Huê Quang đem mẹ về tới động rất là mừng rỡ. Kiết Chi Đà bảo con phải đem thịt người cho mẹ ăn, bằng không là con bất hiếu. Huê Quang túng thế bắt thịt thú mà cho dùng. Song bà dùng đỡ, bảo Huê Quang kiếm thịt người cho bà mà thôi. Huê Quang cùng vợ là công chúa, tính đi tìm thuốc trừ tật ấy. Nghe vậy vua Phong Đô cho người lên gạt Kiết Chi Đà mà thuốc cho chết đi, ắt là trọn việc. Người tới giả thầy có thuốc hay, Huê Quang mừng rỡ, dắt vào, ngờ đâu Kiết Chi Đà nhớ mặt ở ngục Phong Đô, ắt là thuốc bà ta cho chết, Huê Quang nghe mẹ nói nổi giận đòi giết. Người ấy xin thú tội, và bày rằng: “Thiệt thì bây giờ Nguyên soái nên lén đến cung Tây Vương Mẫu mà ăn cắp được đào, cho lệnh đường ăn thì hết thèm thịt người nữa„. Huê Quang nghe rõ biết sự thiệt, nên thả cho Ma y về...

Huê Quang bàn cùng vợ rằng: “Nếu bây gờ lên Tây Vương Mẫu xin đào chắc là không đặng, chi bằng ta giả ra khỉ đi hái trộm ắt xong„. Nghĩ rồi bèn bay đi, đến nơi lẻn ra vườn đào, thấy đào chín mùi thơm bát ngát. Huê Quang hái trộm được sáu trái, liền đằng vân bay về động, đem dưng cho Kiết Đà ăn thử. Quả nhiên bà nói rằng: “Ta ăn đào rất ngon quá, còn nữa cho thêm„. Bà ăn luôn sáu trái, phút bà nói lớn rằng: “Cớ sao nay ta cả mình đều nhẹ như lông, miệng ta lại không thèm thịt người nữa, mà cho đến thịt thú ta ngửi cũng hôi tanh quá. Ắt từ đây ta ăn bông thì thích dạ!„. Huê Quang vợ chồng mừng rỡ vô chùng, biết cho mẹ mình đã cải tà qui chánh rồi. Từ đây bà lần lần hóa ra một người lịch sự như tiên.

Nói qua trên động Tây vương Mẫu kẻ giữ vườn đào báo cho bà hay rằng: “Trong đêm hồi hôm, chẳng rõ ai vào vườn bẻ mất hết sáu trái đáo, mà coi lại là dấu chân khỉ mớ là là lùng hết sức!„. Tây Vương Mẫu không rõ tại lẽ nào, nên bay ngay qua Quan Âm đại sĩ cầu xin hỏi. Quan Âm xem xét xong nói rằng: “Huê Quang giả hình khỉ mà ăn trộm về cho mẹ là Kiết Chi Đà ăn chứ không ai hết„. Tây Vương Mẫu bèn lên Thượng đế mà cáo báo. Ngọc Hoàng nổi giận, vì Huê Quang vô lễ hái trộm đào. May nhờ có Khuyến Thiện đi chầu đó, mới tỏ cho Ngọc Hoàng hay rằng: “Vì Huê Quang hiếu mẹ mới ra nông nỗi, xin Thượng Đế thứ dung„. Ngọc Hoàng hỉ xả, Tây Vương Mẫu cũng bằng lòng. Huê Quang được thứ, về bái mạng đại ân.

Nói về Thích Ca như lai, nói với đệ tử rằng: “Huê Quang xưa có thề với ta rằng: ngày nào gặp mẹ thì trở về tu. Nay nó còn mê thế, e cho ta đây mang tiếng. Vậy La Hán hãy vâng lời xuống gạt nó mà bắt về cho ta. Kế ấy hãy làm như vầy....„. La Hán vâng lệnh mà đi, xuống gặp Huê Quang bày ra hát thuật cắt tay cắt chân rồi ráp lại như nguyên. Huê Quang rất hâm mộ, bảo La Hán dạy, ai ngờ khi cắt chân, La Hán sai sư tử tha chân Huê Quang về núi Linh Sơn. Khi ấy Huê Quang mới nhìn La Hán và sư tử biết mình bị thầy đòi. Bèn ngồi xe hỏa về núi Linh sơn vào lạy thầy xin tội, quyết xin ở lại tu hành. Thích Ca ráp chân cho. Ai dè Huê Quang vụt chạy. Thích Ca niệm chú chân rớt nữa. Huê Quang hãi kinh cúi đầu xin ở lại, không hề dám dối nữa! Thích Ca ráp chân và gắp con mắt lại như xưa. Thích Ca nói cho Huê Quang rõ: “Nay thầy đã đem hết mấy người có lòng thành kính phật về đây đủ rồi, anh em huynh đệ, và cha mẹ ngươi mấy kiếp cũng đều đủ hết trước kia. Vậy ta phong cho ngươi là Phật trung thượng thiên vương„. Huê Quang cúi lạy, rồi bước ra trông thấy gia quyến mấy kiếp cha mẹ anh em đều đủ, vui mừng xiết bao! Rồi đó Thích Ca dắt Huê Quang lên Ngọc Đế mà chầu, Ngọc Hoàng phong cho chức Hiển linh thiên vương, lo bề cứu dân độ thế. Huê Quang hết sức đội ơn đức Phật Trời. Lãnh chức tuần du trung giới.

Tới đây bộ truyện Nam du Đã hết. Xin xem qua bộ “BẮC DU CHƠN VÕ„
Khi về trời Huê Quang thí võ với Thái tử Kim Thương rất là màu nhiệm.

Giấy phép số 83/TXB của Nha T.T.N.V phát ngày 28-2-51